Chia sẻ bên lề Hội thảo Kinh tế Việt Nam và triển vọng 2018 xoay quanh vấn đề phê duyệt đề án kinh tế ngầm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tính toán, đo lường đóng góp của nền kinh tế ngầm là điều cần thiết nhưng không hề dễ dàng.
"Rất khó tính toán hoạt động buôn lậu, hay các hình thức làm ăn phi pháp khác. Thậm chí các nước khác cũng vẫn chưa làm được", bà Lan nhận định.
Trước đó, tại buổi họp báo công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê hoạt động kinh tế phi pháp rất khó để thu thập thông tin do các hoạt động kinh tế này được thực hiện một cách lén lút, giấu diếm.
Ông Lâm giải thích thêm: "Ở nhiều nước việc đánh bạc, mại dâm là hợp pháp nhưng ở Việt Nam là phi pháp. Vì vậy, những hoạt động này không đưa vào khái niệm sản xuất và thu thập dữ liệu của thống kê Việt Nam".
Ông Lâm cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Thống kê xây dựng đề án giải pháp thu thập thông tin của cả 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát. Đối với hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế phi pháp, sắp tới Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các bộ ngành như Bộ Công an, ngành Hải quan..để thu thập dữ liệu.
Bà Lan cũng cho rằng: "Nhiều khi chúng ta chỉ ước tính hoặc dựa trên thông số bên ngoài đưa ra. Ví dụ cách đây mấy năm nổi lên vụ việc nhập siêu từ Trung Quốc lớn hơn so với con số công bố của Việt Nam 20 tỷ USD. Những con số đó chúng ta phải dựa con số nước ngoài mới biết được".
Điều bà Lan trăn trở là việc tính toán kinh tế ngầm chỉ phục vụ mục đích làm cho GDP có vẻ lớn hơn khiến quy mô nợ công giảm xuống và tiềm ẩn nguy cơ nới trần nợ công.
"Điều này rất nguy hiểm vì xã hội sẽ phải gánh thêm gánh nặng về nợ công trong khi nhà nước không thu thuế được khu vực kinh tế ngầm. Vì vậy, phần tính thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP vô nghĩa, không đóng góp vào lợi ích kinh tế chung", bà Lan nói.
Riêng đối với kinh tế hộ gia đình, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần khuyến khích các hộ hoạt động đúng luật doanh nghiệp. Theo đó, cơ sở nào sử dụng quá 10 lao động bắt buộc phải đăng ký doanh nghiệp, như vậy công tác quản lý việc nộp thuế các doanh nghiệp này sẽ thuận lợi hơn. Theo ông Doanh, hiện nay kinh tế hộ gia đình đóng góp tới 31% GDP.
Đức Quỳnh