Mỹ đã áp thuế với 34 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu từ ngày 6/7. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ ngày 7/8 thông báo sẽ tiếp tục áp thuế với 16 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa từ ngày 23/8. Bộ Thương mại Trung Quốc đáp trả bằng hai biện pháp thuế quan tương tự, với cùng giá trị hàng hóa Mỹ và cùng ngày thuế của Washington có hiệu lực.
Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với nền kinh tế chậm lại, nợ cao và thị trường chứng khoán giảm, áp lực đối với chính phủ nước này là duy trì tăng trưởng ổn định.
Đáp trả lập trường thương mại cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính phủ Trung Quốc có thể cần phải đẩy nhanh kế hoạch cải cách cấu trúc tại những lĩnh vực như doanh nghiệp nhà nước, thuế, phân phối thu nhập và tài sản, theo Hong Liang, kinh tế gia tại ngân hàng đầu tư CICC, Bắc Kinh.
Các tuyên bố chính thức gần đây cho thấy giới chức Trung Quốc vẫn giữ ý định thúc đẩy thay đổi trong những lĩnh vực đó.
Quốc vụ Viện Trung Quốc tháng 7 thông báo Phó thủ tướng Lưu Hạc – nhà đàm phán chủ chốt trong đối thoại thương mại – sẽ dẫn đầu nhóm phụ trách cải tổ các doanh nghiệp nhà nước. Những cải cách đang diễn ra gồm cho phép đầu tư tư nhân vào doanh nghiệp nhà nước và chuyển 10% cổ phần công ty quốc doanh cho các quỹ hưu trí.
Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của Trung Quốc nhưng thường hoạt động không hiệu quả, nợ tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp sản xuất mà Bắc Kinh đang cố tìm cách giảm phụ thuộc về kinh tế.
Trung Quốc cũng sẽ giảm thuế cho các doanh nghiệp, theo thông báo ngày 23/7 sau cuộc họp của Quốc vụ Viện do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì. Hồi tháng 3, ông Lý tuyên bố sẽ giảm thuế 800 tỷ nhân dân tệ trong năm 2018 cho các doanh nghiệp và cá nhân.
Áp lực từ Mỹ trong thương mại có thể đẩy nhanh đáng kể việc Trung Quốc giảm gánh nặng thuế, tăng tốc mở cửa, Lu Zhang, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu đầu tư CEBM, Bắc Kinh, nói.
Các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong cuộc họp của Bộ Chính trị tuần trước nhấn mạnh nhu cầu duy trì kinh tế phát triển ổn định thông qua chính sách tài chính, đồng thời giảm phụ thuộc vào nợ.
Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite rơi vào ngưỡng “gấu” hồi tháng 6 do lo ngại thắt chặt quản lý sẽ làm chậm tăng trưởng và chính sách thuế của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, cổ phiếu Trung Quốc đã ổn định trở lại nhờ hy vọng vào yếu tố kích thích từ chính phủ. Shanghai Composite hôm nay tăng 1,5%, nhìn chung từ đầu năm đã giảm 15,7%.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh có tăng tốc thay đổi chính sách kinh tế, vốn thường mất nhiều năm, hay không.
Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào chi tiêu tài chính để duy trì tăng trưởng trong khi thời gian triển khai tái cấu trúc không bị ảnh hưởng, Arthur Kroeber, đứng đầu nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại công ty Gavekal Dragonomics, nhận định.
Lo ngại của Trung Quốc là liệu ông Trump có thực hiện lời đe đọa áp thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hay không. Nếu nó trở thành hiện thực, GDP của Trung Quốc sẽ mất 1% hoặc nhiều hơn, theo Kroeber.
Như Tâm/Theo CNBC