Việc Fed quyết định nâng lãi suất khiến đồng USD tăng giá và ảnh hưởng tiêu cực đến rupiah Indonesia. Điều đó khiến các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn nhưng Kurniawan vẫn chưa vội tăng giá các sản phẩm vì anh không muốn thể hiện “sự phẫn nộ” giống như một nhân vật anh rất yêu mến- Hulk.
“Mọi thứ sẽ chỉ là một đống đổ nát mà thôi” nếu như “người khổng lồ xanh” bộc phát sự phẫn nộ, anh chia sẻ ngay trong cửaa hàng chất đầy các hộp đồ chơi. “Nhưng tôi phải chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách”.
Sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” nhằm khuyến khích tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngân hàng trung ương Mỹ đang có ý định tăng lãi suất thêm một lần nữa trong tuần này. Sức ảnh hưởng của lần tăng này sẽ vô cùng sâu rộng. Rất nhiều lời phàn nàn đã được đưa ra nhưng có vẻ không đem lại nhiều tác dụng. Nhiều quan chức đã kêu gọi Fed phải trở nên “nhạy cảm” hơn với những tác động lên các thị trường mới nổi hoặc ít nhất cũng là thông báo ý định một cách rõ ràng hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ trích Fed quá nóng vội trong quyết định tăng lãi suất vì điều đó không mang lại kết quả tích cực.
Bằng việc tăng lãi suất và giảm tỷ lệ tài sản đang nắm giữ, Fed đã khiến trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên hấp dẫn hơn so với những khoản đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài. Điều này sẽ làm đảo lộn cuộc chơi với các thị trường mới nổi khi nhu cầu mua vào USD tăng vọt.
![]() |
Kurniawan trong cửa hàng ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters.
Fed công nhận những ảnh hưởng sẽ vượt ra ngoài lãnh thổ Mỹ nhưng cũng cho rằng đó là nhiệm vụ mà họ phải làm để kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo tỷ lệ việc làm tại quốc gia này.
William Dudley, trả lời phỏng vấn trước khi nghỉ hưu vào tháng 6 với tư cách chủ tịch Fed New York, cho rằng những hành động của Fed không nên được thực hiện một cách đường đột. Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới sẽ cần thời gian để chuẩn bị cũng như thích ứng.
“Một số quốc gia có mức thâm hụt tài chính lớn và họ đang trông chờ vào dòng vốn đầu tư từ nước ngoài để có thể tiếp tục thực hiện các kế hoạch tài chính”, Dudley cho biết. “Nhưng nếu lấy đây làm nguyên nhân cho sự trì hoãn tăng lãi suất thì đó là điều không nên”.
Kỳ vọng tăng lãi suất tại thị trường Mỹ từ mức 0% đã bắt đầu từ 3 năm trước. Nhưng chỉ đến đầu năm nay, Fed mới bắt đầu hành động với việc quyết định tăng lãi suất theo quý và từng bước từ bỏ việc nắm giữ hàng loạt các tài sản mà cơ quan này đã mua lại với mục đích giúp đỡ nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2009.
Dòng vốn chảy khỏi các thị trường mới nổi do những tài sản có khả năng sinh lời cao hơn tại thị trường Mỹ và sức mạnh của đồng USD đã gia tăng từ hồi tháng 4. Chỉ vài tháng sau đó, 3 hoặc 4 trong tổng số 30 công nhân tại TAAD, một công ty chuyên sản xuất công tắc điện nằm tại vùng ngoại ô thủ đô Buenos Aires, Argentina, có thể đối diện với nguy cơ mất việc làm.
Chủ tịch TAAD Daniel Araujo cho biết việc đồng nội tệ peso giảm giá khiến cho chi phí nhập khẩu đồng thô và nhựa từ nước ngoài trở nên khá đắt đỏ, và hệ quả là công ty đã phải cắt giảm một nửa hoạt động sản xuất.
“Chúng tôi đang bị dồn vào thế chân tường”, ông nói. “Lợi nhuận của chúng tôi gần như bằng 0. Chúng tôi không thể để những tác động của việc tăng giá đầu vào ảnh hưởng đến giá sản phẩm của chúng tôi được”.
Vấn đề lạm phát tại Argentina vốn đã rất tồi tệ trước khi Fed tiến hành các biện pháp thắt chặt tiền tệ. IMF đã cho quốc gia này vay một gói cứu trợ tài chính trị giá 57 tỷ USD với mục tiêu ổn định thị trường. Đồng peso trượt giá một nửa so với đồng USD trong năm nay đã có những tác động tiêu cực lên các công ty có nhiều hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, trong bối cảnh các công ty này phải chịu nhiều áp lực tài chính với mức lãi suất đi vay lên đến 70%.
Hệ quả, nền kinh tế Argentina chỉ đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay, theo một báo cáo từ ngân hàng trung ương quốc gia này, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,5% trước đó.
![]() |
Một số mô hình trong cửa hàng củaKurniawan. Ảnh: Reuters.
Thật không may khi các biện pháp thắt chặt của Fed đã thúc đẩy các nhà đầu tư rời bỏ các nền kinh tế dễ bị tổn thương, giống như trường hợp của Argentina, khi nước này đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế “mỏng manh” của họ, Patricia Perez-Courts, quản lý các danh mục đầu tư công ty Westwood International Advisors có trụ sở tại thành phố Toronto, Canada, cho biết.
“Cũng giống như loài linh dương đầu bò, khi chúng băng qua một dòng sông, những con sư tử sẽ tấn công các con non hoặc đang mắc bệnh…nhưng cả đàn sẽ vẫn tiếp tục đi”, bà chia sẻ.
Tại Indonesia, ngân hàng trung ương quốc gia này cũng đã đề cập đến việc hành động của Fed là nguyên nhân dẫn tới các lần nâng lãi suất ở quốc gia này nhằm ổn định lại đồng rupiah, sau khu rupiah mất 35% giá trị. Tăng lãi suất có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia.
Tại một trung tâm mua sắm sầm uất tại phía nam thủ đô Jakarta, Kurniawan, 37 tuổi, đang vật lộn để có thể trả khoản tiền thuê mặt bằng và tiền lương cho nhân viên khi đồng rupiah đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm cũng như giá các sản phẩm xuất xứ từ Hong Kong và Mỹ tăng cao.
Việc chuyển sang tích trữ USD giúp “cứu sống” cửa hàng đã 6 năm tuổi đến thời điểm này, anh cho biết. “Nhưng với mức lợi nhuận gần như bằng 0, chúng tôi không còn đủ nguồn lực để duy trì hoạt động kinh doanh hàng ngày”.
Việc Fed tiến hành các biện pháp tiền tệ thắt chặt cũng như thoái quyền sở hữu nhiều tài sản đã hình thành một dòng chảy mới của nguồn vốn đầu tư trên toàn cầu, bên cạnh đó cũng khiến nhiều quốc gia phải thay đổi những chính sách của họ.
Những tác động này đã nhen nhóm từ năm 2013 khi chủ tịch Fed Ben Bernanke chia sẻ rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ “thắt chặt” hoạt động mua vào. Điều đó là nguyên nhân cho sự tháo chạy của hàng loạt các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi, khiến cho các thị trường này mất nhiều tháng trời để có thể trở lại ổn định.
5 năm sau, nhiều quốc gia trước đây đang cảm thấy “lo ngại” khi Fed lại có ý định tăng lãi suất.
Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia thiệt hại nặng nề nhất khi Fed tăng lãi suất hồi giữa năm nay, từ đó có thể thấy được sự lệ thuộc “nặng nề” của hai quốc gia này vào nguồn ngoại tệ.
Xu hướng bán tháo cũng không “buông tha” những nền kinh tế hùng mạnh như Nga khi quốc gia này đã phải nâng mức lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2014 để theo kịp tốc độ lạm phát cũng như để đối phó với các lệnh trừng phạt đến từ các quốc gia nước ngoài.
![]() |
Biến động của nội tệ một số quốc gia mới nổi so với quy mô bảng cân đối của Fed.
Fed đang có ý định nâng lãi suất thêm 0,25% vào ngày 19/12, qua đó cũng dấy lên những lo ngại về tiến độ tăng lãi suất trong năm tới.
Trong khi những nền kinh tế đang phải đối diện với thâm hụt tài chính cũng như nợ nước ngoài ở mức cao sẽ là những “nạn nhân” nghiêm trọng nhất, ngay cả những nền kinh tế sở hữu nguồn tài chính công dồi dào như Nam Phi cũng không thể ngăn cản dòng vốn chảy ra khỏi lãnh thổ.
Hệ quả đó bắt đầu xảy ra hồi tháng 8, khi đồng rand của quốc gia này chứng kiến tình trạng bán tháo. Đó cũng là nguyên nhân “kéo chìm” đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho dù đã có sự hồi phục, rand vẫn ở mức thấp hơn 14% so với đồng USD trong năm nay. Nam Phi cho rằng tình trạng “lao đao” của đồng nội tệ và sự “mong manh” của nền kinh tế bắt nguồn từ sự thiếu ổn định của giá dầu, mức độ lạm phát cũng như các các kế hoạch cho vay không lãi suất của chính phủ.
Urjit Patel, nguyên thống đốc ngân hàng dự trữ Ấn Độ, trong tháng 6 đã kêu gọi Fed giảm thiểu những tác động từ việc bán trái phiếu chính phủ cũng như gia tăng nợ công lên các quỹ đầu tư sử dụng đồng USD tại các thị trường mới nổi.
“Fed phải hành động bằng cách làm chậm lại các kế hoạch thu gọn bảng cân đối tài chính”, ông bình luận. “Nếu không, trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn hơn và một cuộc khủng hoảng trong thị trường trái phiếu chi trả bằng đồng USD tại nhiều quốc gia khác là không thể tránh khỏi”.
Trọng Đại/Theo Reuters