Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ Venezuela có thể vấp phải nhiều khó khăn hơn nữa sau cuộc bầu cử Tổng thống của quốc gia này vào hôm nay (20/5), khi mà đương kim tổng thống Nicolas Maduro nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai bất chấp khủng hoảng kinh tế và xã hội chưa từng thấy.
Mỹ, cùng với một số quốc gia khác ở châu Mỹ, đã lên án cuộc bầu cử này, vì cho là nó không công bằng.
Tamas Varga, nhà phân tích của PVM Oil Associates, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ ba rằng: "Ông Maduro sẽ giành chiến thắng khi cuộc bầu cử này là gian lận và không công bằng. Câu hỏi quan trọng hơn là Mỹ sẽ phản ứng như thế nào sau kết quả chính thức".
"Nếu các nhà máy lọc dầu của Mỹ bị cấm mua dầu thô Venezuela thì bạn phải tưởng tượng đất nước này sẽ thêm phần khốn khó", ông nói thêm.
Khi được hỏi liệu các nhà buôn dầu có nghĩ đến khả năng Mỹ áp đặt trừng phạt chống lại Venezuela sau cuộc bỏ phiếu của nước Mỹ Latin hay không, Vargas trả lời: "Với tính cách của ông Donald Trump, đó là một điều nhiều khả năng diễn ra, ông ấy không ngại trừng phạt các quốc gia khác".
Biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng
Một động thái trực tiếp nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela có thể sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Tổng thống Maduro, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào việc bán dầu thô để khắc phục và giảm tốc độ khủng hoảng kinh tế.
Vào tháng 2 vừa qua, ông Rex Tillerson, khi đó còn là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, cho biết việc áp dụng các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu mỏ của Venezuela hoặc cấm quốc gia này bán dầu cho các công ty Mỹ là điều mà Nhà Trắng sẽ tiếp tục nghiền ngẫm.
Và trong khi chính quyền Trump đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng đối với Caracas, giới phân tích lo ngại họ có thể áp dụng các hình phạt trực tiếp đối với ngành dầu mỏ.
Sản lượng khai thác của Venezuela giảm xuống khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây - giảm gần 40% kể từ năm 2015.
IEA cũng đã nhận thấy 'tiềm năng' của việc trừng phạt
PDVSA, công ty dầu mỏ quốc gia của nước này, cũng đang phải vật lộn với nhiều vấn đề sau khi đã mất quyền kiểm soát các cơ sở lọc và trữ dầu của mình tại vùng biển Caribbe vào tay công ty sản xuất và thăm dò của Mỹ, ConocoPhillips.
Sản lượng của PDVSA đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày kể từ mức cao gần đây vào tháng 12/2015.
Hôm 17/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đã cảnh báo trong báo cáo hàng tháng về khả năng Mỹ sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt nhắm vào PDVSA ngay sau cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống tại nước này.
"Nhiều khả năng sản lượng dầu mỏ của Venezuela có thể giảm thêm vài trăm nghìn thùng một ngày vào cuối năm nay", tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết.
Kỳ vọng giá dầu lên cao hơn nữa
Giá dầu Brent hiện giao dịch ở mức quanh 78 USD/thùng, điều này có thể làm tăng áp lực lên OPEC và Nga về việc nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà họ đang thực thi nhằm hạn chế tình trạng dư cung dầu toàn cầu.
"Thị trường đang tập trung vào sự thiếu hụt sản lượng từ Iran, nhưng nếu Venezuela cũng bị ảnh hưởng nữa thì bạn có thể kỳ vọng giá dầu lên cao hơn nữa", ông Vargas thuộc PVM Oil Assocaitecho hay.
Người dân của đất nước Venezuelađang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực, sự sụp đổ của đồng nội tệ và lạm phát không ngừng gia tăng - mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự đoán sẽ đạt 13.000% vào năm 2018.
Đồng thời, gần 75% người Venezuela được cho là đã bị giảm cân, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này dự kiến sẽ tăng vọt lên 32% vào năm 2022.
Phương Anh/CNBC