Quyết định trên đã nhận được sự ủng hộ từ các nước thành viên EU. Đây còn là một phần trong nỗ lực của Đức, Pháp và Anh nhằm cứu vớt thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Theo thỏa thuận, Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt. Nếu EU không thể đảm bảo quyền lợi về thương mại và đầu tư cho Iran thì Iran cũng không có lý do gì phải giữ cam kết.
EU cũng khuyến khích các nước thành viên mở rộng hình thức thanh toán một lần cho ngân hàng trung ương Iran nhằm củng cố giao dịch dầu mỏ của quốc gia thành viên OPEC này. Đây cũng là yếu tố quan trọng đối với triển vọng kinh tế Iran.
Biện pháp hữu hiệu nhất được công bố hôm 18/5 là “quy chế ngăn chặn”. Quy chế này sẽ bảo vệ các công ty châu Âu khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ, thậm chí có thể buộc họ lãnh án phạt theo luật châu Âu nếu cắt quan hệ với Iran.
Judith Lee, một luật sư thương mại quốc tế làm việc ở Gibson Dunn, Washington DC, cho biết căng thẳng giữa Mỹ và EU đang leo thang. "Hai phía đều đang hành động rất nhanh… để chiếm thế thượng phong trong bàn đàm phán".
Theo Thomas Gratowski, một chuyên gia Iran làm việc tại cơ quan tư vấn Global Counsel, nhận định đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy EU "sẽ không từ bỏ đấu tranh với Mỹ”.
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các nước EU sang Iran đạt gần 11 tỷ euro (tương đương 13 tỷ USD), gấp 100 lần so với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang đất nước này.
‘Mâu thuẫn không thể giải quyết’
Tuyên bố của EU đặt các công ty châu Âu vào thế khó, dẫn đến “mâu thuẫn pháp lý không thể giải quyết”, luật sư Lee cho hay. Họ phải lựa chọn dừng làm ăn với Iran để tuân thủ luật pháp Mỹ nhưng sẽ phải vi phạm luật EU hoặc ngược lại.
"Tìm được lối ra cho bài toán này thực sự bất khả thi. Tôi không nghĩ các công ty sẽ hành động giống nhau.” Lee nhận định.
Theo Lee, những công ty lớn của Châu Âu có hoạt động tại Mỹ có thể sẽ bị ép phải phạm luật EU. Chỉ có những công ty có quan hệ hạn chế với Mỹ mới có thể tiếp tục làm ăn với Iran,
Ít giá trị thực tiễn
Các chuyên gia hoài nghi EU chấp nhận tiến xa như nào trong vấn đề này và Iran sẽ được lợi ra sao.
Ví dụ, Pháp sẽ không muốn phạt một công ty họ đang nắm giữ cổ phần như Renault, theo Gratowski. Ông nói rằng “Kết cục là bạn có thể tự hại chính mình. Giá trị thực tiễn của đạo luật này là quá ít”.
Ngoài ra, “quy chế ngăn chặn” quy định rằng những công ty chịu tổn thất tài chính từ lệnh trừng phạt của Mỹ có thể phục hồi sau đó “từ chính những người đã gây ra tổn thất”. Gratowski lại không nghĩ họ sẽ nhận được gì từ Mỹ.
Sự thận trọng từ các công ty lớn
Tập đoàn Total của Pháp tuần trước thông báo họ không thể triển khai dự án trị giá 2 tỷ USD để phát triển mỏ khí lớn South Pars của Iran vì lệnh tái trừng phạt của Mỹ. Họ chưa đưa ra quan điểm về các biện pháp của EU.
CEO của Siemens cho biết công ty sẽ không thể ký hợp đồng kinh doanh mới với Iran và sẽ không thay đổi lập trường.
PSA, một công ty chuyên bán xe Peugeot, nói sẽ “theo dõi các diễn biến tiếp theo, bao gồm thông tin chính thống cũng như đặc biệt”.
Airbus hôm 18/5 nhắc lại rằng họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát xuất khẩu và lệnh trừng phạt.
Tiểu Long/ Theo CNN Money