Thứ năm, 1/6/2023 | 06:18 GMT+7Dữ liệu doanh nghiệp

Contact

Điện thoại:
(+84) 243 9412852

Email:
info@ndh.vn

Ghi rõ nguồn “Người Đồng Hành” khi phát hành lại thông tin từ Chuyên trang Người Đồng Hành.

Nhìn lại nửa đầu năm 2022 StartupQ&A Elon Musk mua Twitter Bí mật đồng tiền Ngày ấy - Bây giờ
Thứ năm, 15/2/2018, 15:46 (GMT+7)

Câu chuyện Tết hội nhập nhìn từ nước Nhật

Đặng Phương Mai Thứ năm, 15/2/2018, 15:46 (GMT+7)

Trong văn hóa Nhật Bản, người dân tin rằng thần Toshigami sẽ ghé thăm các gia đình vào ngày đầu năm mới mang theo lời chúc phúc và may mắn. Vì vậy, dù đã hơn một trăm năm kể từ ngày Tết Âm lịch biến mất, người Nhật vẫn đón Tết Dương lịch với đầy đủ các phong tục cổ truyền.


Một cảnh ở chùa Ooyama (tỉnh Kanagawa) - Ảnh: Trần Tiến - TBKTSG

Giống như người Việt, người dân Nhật Bản cũng dọn nhà, tổng vệ sinh và trang trí để đón năm mới. Các món ăn truyền thống được chuẩn bị trước ngày đầu năm. Thời điểm giao thừa là lúc cúng bái tổ tiên và đi lễ chùa cầu may mắn. Người Nhật cũng sẽ đi chúc Tết và trở về sum họp với ông bà, người thân trong những ngày đầu năm mới. Các phong tục mang màu sắc Á Đông trong ngày Tết Dương lịch của phương Tây khiến Nhật Bản trở thành một đất nước vừa gần gũi lại vừa la xạ.

Việc cưỡng chế thay đổi một truyền thống mang đậm văn hóa và tâm linh như ngày Tết là rất khó khăn, và người ta tin rằng chỉ có Nhật Bản mới có thể có một quá trình thuận lợi như thế (dù ban đầu cũng có không ít trở ngại). Điều gì đã xảy ra ở xứ sở thường được biết đến là một vùng đất khép kín giàu truyền thống và lễ nghĩa?

Kỳ thực, giống như Tết Dương lịch, người Nhật cũng rất hào hứng tiếp thu những văn hóa đến từ bên ngoài, điều quan trọng là họ luôn biết cách thổi vào trong đó cái hồn Nhật Bản. Ngày nay, người ta sẽ nhìn thấy đa số sinh viên đều mặc trang phục vest trong ngày nhập học hay lễ tốt nghiệp; đồng thời cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những sinh viên trong trang phục Kimono truyền thống. Nhưng không phải chỉ đến những năm Minh Trị, khi mà quốc gia này bị đe dọa trước họng súng của các đế quốc phương Tây, người ta mới bắt đầu học cách hòa mình vào những văn hóa khác. Vào thời cổ đại (bắt đầu từ thời Tiền Hán ở Trung Quốc), nhiều sứ giả đã mang theo các học sinh sang Trung Quốc theo học văn hóa và kỹ thuật của nước này như chế tác kim loại, chữ Hán và xây dựng kiến trúc rồi mang về Nhật Bản.

Đến giữa thế kỷ thứ 9, người Nhật bắt đầu xây dựng nền văn hóa cho riêng mình dựa trên những gì học được. Chữ Kana được sáng tạo để thay thế chữ Hán làm tiền để các ca khúc, tác phẩm văn học mang âm hưởng xứ sở hoa anh đào phát triển. Hội họa và kiến trúc cũng phát triển hướng đến những giá trị thẩm mỹ của người dân đảo quốc. Dường như sự cách biệt tương đối về địa lí từ xa xưa đã cho người Nhật có nhiều tò mò với những nền văn hoá xa lạ nhưng đồng thời nó cũng giúp họ có một không gian đủ để biến những văn hoá ấy thành cái chất rất riêng của mình. Trải qua thời gian, điều này đã trở thành một phần trong tính cách của con người đất Phù Tang.

Nhưng dù như thế, những người làm văn hóa Nhật Bản hiện tại vẫn đặt lại câu hỏi: Đâu mới là bản sắc văn hóa? Trong ngày Tết thì những phong tục như dọn nhà, đi lễ chùa, sum họp gia đình là bản sắc? Hay sự kết nối tâm linh trong dòng chảy văn hóa Âm lịch xa xưa với tổ tiên mới là bản sắc? Hay liệu ý nghĩa sơ khai nhất của ngày Tết chỉ là một dịp đặc biệt để chào đón năm mới? Điều này rõ ràng hơn trong ví dụ về việc thay đổi trang phục sang vest, khi đó Kimono đã không còn ý nghĩa trang phục thường nhật mà khoác lên mình một ý nghĩa tôn vinh truyền thống.

Mặc Kimono đi tham quan các kiến trúc cổ là sở thích của người Nhật - Ảnh: Trần Tiến

Thử nhìn vào một ví dụ trong lịch sử văn hóa của quốc gia này là Phật giáo. Sức lan tỏa mạnh mẽ của Phật giáo nằm ở chỗ nó không bài xích các tôn giáo hay các vị thần khác mà dễ dàng dung hợp với họ. Tuy vậy, khó có một nơi nào có thể đạt sự dung hợp tới mức gần như không phân biệt được như ở Nhật Bản.

Những người theo Phật giáo và Thần đạo, cùng với đó là những đền chùa và lễ hội của cả hai tôn giáo này đều có thể được sử dụng với mục đích như nhau, và thật khó để phân biệt đâu là Phật giáo và đâu là Thần đạo. Sẽ không có gì bất ngờ khi một thần xã (Jinja) nằm trong khuôn viên một ngôi chùa, hoặc một ngôi chùa mang kiến trúc hoàn toàn của một thần xã được thờ phụng bởi những Thần sư. Mãi cho đến những năm Minh Trị sau này, dưới phong trào phục hưng Thần đạo, các thần xã và chùa chiền mới có sự phân biệt tương đối. Rốt cuộc thì Thần đạo đã bị Phật giáo thay đổi, hay Phật giáo đã bị Thần đạo đồng hóa? Đây là một câu hỏi không dễ dàng trả lời.

Một nghi lễ của Thần đạo giữa cái nôi Phật giáo ở Arashiyama, Kyoto - Ảnh: Trần Tiến

Vậy nên khi nói về văn hóa Nhật và những văn hóa du nhập, có ý kiến cho rằng nó giống như một chùm nho. Mỗi trái nho to nhỏ khác nhau là các văn hóa ngoại lai cùng làm nên văn hóa Nhật Bản, nhưng sâu trong mỗi trái nho luôn là hạt tinh hoa truyền thống của người Nhật. Cũng có ý kiến phản bác rằng văn hóa Nhật giống như một hồ nước lớn và những văn hóa ngoại lai là những thùng nước nhỏ. Khi tất cả trộn lẫn vào nhau, nước của hồ và nước trong thùng đều không còn như cũ. Thật ra điều này còn phụ thuộc vào hồ nước (nội tại của văn hoá bản địa) lớn bao nhiêu và thứ nước cho vào (văn hoá du nhập) là gì.

Hòa hợp như thế nào để không bị hòa tan, thay đổi để thích nghi nhưng thay đổi đến mức độ nào hay bảo tồn như thế nào để phát triển sẽ luôn là những câu hỏi lớn trong dòng chảy văn hóa, đặc biệt là trong thời đại thay đổi nhanh chóng như hiện nay mà Nhật Bản sẽ là một ví dụ rõ nét để có thể rút ra nhiều bài học.

Theo Trần Tiến - Thesaigontimes.vn

 

Đăng nhập bằng

Hoặc nhập

Thông báo

Thông báo

Hãy chọn 1 mục trước khi biểu quyết

Thông báo