Giá dịch vụ giáo dục và điện sinh hoạt khiến CPI tháng 9 tăng
Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (29/9) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, CPI trung bình 9 tháng đầu năm tăng 3,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt và giá gạo trong nước tăng là những nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI tháng 9.
![]() |
Giá điện là một trong những yếu tố khiến CPI tháng 9 tăng. |
Tháng 9, có 44 trên 63 tỉnh, thành phố tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định 86/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021. Theo đó, chỉ số nhóm dịch vụ tăng 2,29% so với tháng trước, khiến CPI chung tăng 0,12%.
CPI | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
Tháng 9 so với cùng kỳ | 3,34 | 3,4 | 3,98 | 1,98 | 2,98 |
Bình quân 9 tháng | 2,07 | 3,79 | 3,57 | 2,50 | 3,85 |
Tiếp nữa, theo tính toán sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt trong thời gian 1-31/8, do thời tiết nắng nóng giá điện sinh hoạt tính trong CPI đã tăng 3,23%. Đồng thời, giá nước sinh hoạt cũng tăng 0,4% so với tháng trước.
Trong khi đó, một số mặt hằng lại ghi nhận giảm, như xăng dầu điều chỉnh giảm 3 lần vào 27/8, 11/9 và 26/9. Bình quân giá nhiên liệu 9 tháng giảm 0,05% so với tháng 8, trong đó giá E5 giảm 190 đồng/lít, giá xăng A95 giảm 130 đồng/lít và giá dầu diezen giảm 840 đồng/lít.
Ngoài ra, giá vé tàu hỏa cũng giảm 1,26% so với tháng trước do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vào cuối mùa hè. Thêm nữa, giá thịt lợn, gia cầm, thủy sản tươi sống cũng giảm do nguồn cung và nhu cầu giảm.