ICO khá giống IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) nhưng điểm khác biệt lớn nhất là thay vì nhận được cổ phiếu của các công ty, nhà đầu tư sẽ nhận được token. Điều này khiến ICO phải nhận nhiều sự chỉ trích từ giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa ICO và IPO là nhân tố quan trọng để nhà đầu tư cân nhắc trước khi đổ tiền vào các startup thông qua việc mua token, Steven Maijoor- Chủ tịch Cơ quan giám sát Thị trường Chứng khoán Châu Âu (ESMA) nhận định.
"Bạn hoàn toàn không được pháp luật bảo vệ khi đầu tư vào ICO do vậy bạn có thể mất trắng khi đầu tư vào đây. Trong cương vị là cơ quan quản lý thị trường chứng khoán châu Âu, hồi tháng 11 năm ngoái chúng tôi từng cảnh báo về rủi ro đầu tư vào thương vụ ICO vì đây là hoạt động gọi vốn chưa được quản lý rõ ràng".
"Tiền điện tử đang lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ thông tin để thị trường chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xấu xảy ra", ông Steven Maijoor nói.
Các vấn đề liên quan đến ICO dẫn tới một số quốc gia buộc phải hành động. Trung Quốc cấm ICO và yêu cầu đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử hồi tháng 9/2017. Mới đây nhất, Hàn Quốc đề xuất dự luật cấm hoạt động giao dịch tiền tử. Bộ trưởng Bộ Tài chính Kim Dong-yeon cho biết “Lệnh cấm giao dịch tiền điện tử đang được đưa ra bàn luận trực tiếp. Quyết định cuối cùng cần phải được xem xét kỹ lưỡng bởi Chính phủ”.
Thời gian gần đây, thị trường tiền điện tử liên tục đi xuống do chính phủ các nước tăng cường siết chặt quản lý.
Maijoor cũng đề cập trong khi chính phủ các nước châu Á đang tích cực hành động nhằm quản lý thị trường tiền điện tử, vai trò của ESMA vẫn là cung cấp thông tin để các nước chuẩn bị kỹ càng hơn để đối phó với những "sóng gió" của thị trường tiền điện tử.
Người đứng đầu ESMA nhận định, "Việc đánh giá chung thái độ của châu Âu và châu Á về thị trường tiền điện tử do sự khác biệt về thể chế. Các luật lệ và sự can thiệp cần dựa trên trường hợp cụ thể".
Đức Quỳnh - CNBC