Ngành ngân hàng 2021: Chuyển biến trong đại dịch
Khởi đầu thuận lợi nhưng ngành ngân hàng lại dần đối mặt với nhiều thách thức vào nửa cuối năm, sau khi làn sóng dịch lần thứ tư xuất hiện. Dù vậy, những thay đổi về chính sách, công nghệ, nhân sự được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực trong tương lai.

Năm 2021, các ngân hàng có một khởi đầu thuận lợi khi lãi suất huy động ở mức thấp, biên lãi thuần cao và lợi nhuận khởi sắc. Cổ
phiếu đi lên cùng với triển vọng tích cực, kéo theo những đợt tăng vốn liên tục. Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng được đưa ra thị
trường.
Tuy nhiên, sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập tới, các nhà băng dần đối mặt với nhiều thách thức hơn khi vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng việc giảm lãi suất cho vay thực chất, vừa phải đối mặt với nợ xấu tiềm ẩn.
Ở phía cơ quan điều hành, Ngân hàng Nhà nước năm qua có những chính sách đặc thù trong bối cảnh dịch Covid-19, nổi bật là thông tư về cơ cấu nợ. Đồng thời, nhà chức trách cũng ghi dấu ấn với việc điều hành tỷ giá và tăng cường kiểm soát rủi ro hệ thống.
Với những đổi mới trong chính sách, xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và phát triển nhân sự theo hướng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo,
ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến trong tương lai.
Cùng Người Đồng Hành nhìn lại những chuyển biến nổi bật của ngành ngân hàng trong năm qua - năm thứ 2 của đại dịch:
Bước đi chính sách
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu NHTM hạ lãi suất, kiểm soát rủi ro hệ thống và điều hành tỷ giá ổn định.


Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với làn sóng dịch lần thứ tư trong quý III. Hơn 2 tháng chịu ảnh hưởng từ giãn cách ở nhiều nơi, hoạt động doanh nghiệp, nền kinh tế bị đình trệ. GDP quý III tăng trưởng âm gần 6,2%, lần đầu từ khi Covid-19 xuất hiện.
Để vực dậy nền kinh tế, ngân hàng đóng vai trò đầu mối vốn cho doanh nghiệp và người dân. Sau khi giảm lãi suất điều hành trong năm trước, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất cho vay thực chất hơn.
Cơ quan này sau đó đã gắn việc hạ lãi suất, hỗ trợ khách hàng trở thành một trong những tiêu chí để xem xét nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm cho ngân hàng. Các tổ chức tín dụng sau đó công bố giảm lãi suất cho vay 1-3%, dẫn đầu là MSB giảm 3%, một số ngân hàng khác như Sacombank, HDBank… giảm 1-1,5%, BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank giảm 1-2%, tùy chương trình.

Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 31/10 của 16 ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng gần 15.600 tỷ đồng, tương đương 75,5% so với cam kết đưa ra cho cả năm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 9, các nhà băng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 30/9, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Không chỉ ở hoạt động điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng ghi dấu ở mặt tỷ giá và dự trữ ngoại hối. Theo số liệu của Chứng khoán BIDV (BSC), giá trị dự trữ ngoại hối Việt Nam đã đạt kỷ lục 105 tỷ USD vào tháng 11. Trước đó, báo cáo cập nhật vào tháng 3 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ghi nhận dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đạt 94,8 tỷ USD. Tỷ giá được giữ ổn định.
Trong năm nay, Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề tiền tệ. Mỹ đã tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ trong báo cáo bán thường niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" đầu tháng 12. Chứng khoán KB cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực hoạt động mua vào ngoại tệ trong thời gian tới, thay vì dè dặt như trong những tháng đầu năm (chỉ mua vào khoảng 7 - 8 tỷ USD). Điều này có thể giúp giảm tải khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Cùng với điều hành chính sách tiền tệ, năm qua nhà chức trách cũng ban hành một loạt văn bản, nổi bật là Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu nợ miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa một loạt Thông tư hướng đến siết rủi ro hệ thống như Thông tư 11/2021 sửa đổi bổ sung quy định về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro sẽ áp dụng từ 1/10; Thông tư 12/2021 liên quan đến việc mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD; và gần nhất là Thông tư 16 siết chặt hơn quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh và nỗi lo nợ xấu tiềm ẩn.
Tác động
Ngân hàng chịu tác động từ nợ xấu và hoạt động kinh doanh.

Nửa đầu năm 2020, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho nhà băng giảm lãi suất huy động. So với trước dịch, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm 1,5-2% và ở mức thấp nhất từ năm 2017.
Việc hạ lãi suất đầu vào giúp chi phí vốn của ngân hàng thấp hơn, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm và biên độ hẹp khoảng 0,5% trong nửa đầu năm. Nhờ đó, biên lãi thuần của các nhà băng được cải thiện và mang đến lợi nhuận tốt hơn.

Những con số lợi nhuận nửa đầu 2021 cho thấy rõ. Một số ngân hàng nhỏ như SCB, Viet Capital Bank, NamABank báo lãi tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước, ABBank tăng 3 lần, EximBank tăng 2,5 lần…
Các nhà nhà băng có quy mô trung bình và lớn như Techcombank, SHB, ACB, VIB… cũng tăng lợi nhuận 70-80%, trong khi nhóm quốc doanh Vietcombank, VietinBank tăng 30-40%, riêng BIDV tăng hơn 87%.
Bên cạnh nguyên nhân cải thiện biên lãi thuần, nền so sánh thấp hơn trong nửa đầu năm 2020, Thông tư 03 về kéo dài thời gian trích lập với nợ tái cơ cấu, ảnh hưởng do dịch Covid-19 giúp giảm áp lực dự phòng cho ngân hàng, cũng là các yếu tố mang tác động tích cực.
Tuy nhiên, kết quả khởi sắc về lợi nhuận của các ngân hàng lại đưa đến nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận cho rằng ngân hàng hỗ trợ chưa thực chất, tăng trưởng cao giữa lúc nền kinh tế và doanh nghiệp còn khó khăn và yêu cầu có những hành động thiết thực hơn.

Nguyên nhân trên cũng là lý do các ngân hàng dè dặt hơn trong việc công bố lợi nhuận. Các bản thông cáo kết quả kinh doanh - vốn là nơi các nhà băng đưa ra những nét tốt nhất tới công chúng, được gửi đi trong năm qua phần lớn nổi bật về tăng trưởng tài sản, dư nợ… trong khi những số liệu đề cập đến lợi nhuận rất mờ nhạt, trái với mọi năm – xu hướng "khoe" lợi nhuận.
Đến nửa cuối năm, sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất thực tế hơn và nhu cầu tăng lãi suất tiền gửi để thu hút khách hàng, trong khi nỗi lo nợ xấu thường trực khiến triển vọng các ngân hàng bớt tích cực.

Sau sự xuất hiện của làn sóng dịch thứ tư, nỗi lo về nợ xấu lớn dần với ngành ngân hàng. Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm dự kiến ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%.
Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Mục tiêu đặt ra trong đề án cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020 là đến cuối năm trước đưa tỷ lệ nội xấu nội bảng cộng nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3%/tổng dư nợ, không thể hoàn thành.
Nhiều chuyên gia đề xuất, trong bối cảnh nợ xấu còn tiềm ẩn, Ngân hàng Nhà nước có thể trình Quốc hội về việc luật hóa Nghị quyết 42 để tạo một hành lang chuẩn trong hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng.


Nợ xấu chỉ là một trong ba mục tiêu ngành ngân hàng không hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Hai vấn để còn lại là tỷ lệ thu nhập phi tín dụng/tổng thu nhập và niêm yết các ngân hàng thương mại.
Hiện tại còn 6 - 7 ngân hàng chưa lên sàn với nhiều lý do. Trong đó, Phó Thống đốc cho rằng nguyên nhân quan trọng là năm 2019 và năm 2020, toàn ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Với chỉ tiêu về thu nhập ngoài lãi, năm 2016 khi xây phương án, tỷ lệ thu nhập phi tín dụng/tổng thu nhập ngân hàng ở mức 7,8%. Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi, tức khoảng 15%. Tuy nhiên, trên thực tế đến năm 2020, con số này chỉ đạt xấp xỉ 12%.
Để dần giảm bớt phụ thuộc vào hoạt động tín dụng các ngân hàng cũng đang dần đa dạng hóa nguồn thu từ phí dịch vụ, hoa hồng bancassurance, trái phiếu… Năm qua cũng là năm tài chính chứng kiến nguồn thu từ chứng khoán tại nhiều ngân hàng tăng bằng lần trong một vài quý như Techcombank, OCB, BacABank…

Nửa đầu năm, nhờ lợi nhuận tăng “phi mã” và triển vọng hưởng lợi từ thúc đẩy vốn hỗ trợ hồi phục nền kinh tế sau làn sóng dịch lần thứ ba, cổ phiếu các ngân hàng cũng bứt phá trong nửa đầu năm. SSB, LPB, VIB, VPB tăng 100-150% trong 6 tháng, NVB, SHB, TVB, ACB, TCB… đều tăng 60-90%, chỉ số ít cổ phiếu ngân hàng tăng chậm hoặc giảm như VCB, BID…
Sau khi lập đỉnh vào giữa tháng 7, cổ phiếu ngân hàng lao dốc và đi ngang do lo ngại về nợ xấu và những tác động của hạ lãi suất, trong khi thị trường chứng khoán liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi và lợi nhuận để lại lớn, các ngân hàng đã tạo nên làn sóng tăng vốn. Nhiều nhà băng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho nhà đầu tư, chào bán cổ phần cho cổ đông hoặc tìm đối tác chiến lược. Đơn cử, SHB đã chuyển sàn từ HNX sang HoSE và đang triển khai tăng vốn từ 17.510 tỷ đồng lên 26.674 tỷ đồng. VPBank cũng chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 80%, VietinBank trả cổ tức và cổ phiếu thưởng, tổng tỷ lệ 29%...
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng muốn chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank… đều có kế hoạch tăng vốn lớn trong năm. Ước tính sơ bộ hơn 2 tỷ cổ phiếu ngân hàng đã được đưa ra thị trường trong năm nay.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn ghi nhận hai thương vụ bán vốn lớn tại công ty tài chính FE Credit và SHB Finance. VPBank đã bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMFG) với định giá 2,8 tỷ USD – thương vụ bán công ty tài chính lớn nhất của ngành ngân hàng Việt Nam.
Trong khi đó, SHB bán toàn bộ 100% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - Thái Lan, đơn vị thuộc Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) với giá trị khoảng gần 3.600 tỷ đồng. Việc thanh toán sẽ được chia thành hai đợt. Krungsri sẽ thanh toán 1.573 tỷ đồng và nhận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance trong đợt một. Đợt hai, Krungsri sẽ thanh toán phần tiền còn lại 2.017 tỷ đồng sau 3 năm khi kết thúc đợt một, đồng thời nhận chuyển nhượng tiếp 50% vốn.
Những làn gió mới
Bước chuyển công nghệ và trẻ hóa lãnh đạo.


Tác động của dịch Covid-19 đến hành vi khách hàng, đến đời sống xã hội đặt các ngân hàng vào bối cảnh phải thích nghi, liên tục thay đổi để phù hợp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Covid-19 khiến hoạt động thanh toán không tiền mặt bùng nổ trong 2 năm qua. 9 tháng 2021, thanh toán qua di động tăng hơn 76% về số lượng và 88% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thanh toán qua Internet cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị. Giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41% về giá trị. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị.
Những con số trên cho thấy lý do vì sao công nghệ đã trở thành đích nhắm hàng đầu của các tổ chức tín dụng. Đến nay, theo Ngân hàng Nhà nước, 95% tổ chức tín dụng đã, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90.000 điểm thanh toán QR và gần 298.000 POS.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đi trước đón đầu với mô hình ngân hàng thuần số (Neo-bank) như VPBank NEO, TNEX, Timo – với chi phí hoạt động thấp hơn nhiều so với một chi nhánh truyền thống… cho thấy nỗ lực của các bên trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Việc ứng dụng eKYC để mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng… dần trở nên phổ biến.
Mặt khác, thị trường thanh toán giờ đây không chỉ dừng lại ở các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính (fintech) với ví điện tử, ứng dụng cho vay ngang hàng… mà mới nhất có sự tham gia của các “ông lớn” viễn thông.
Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho Mobifone, Vinaphone và Viettel triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Ba nhà mạng này cũng đã nhanh chóng nhập cuộc và đưa ra thông báo hướng dẫn khách hàng tham gia. Với Mobile Money, khách hàng có thể dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ nội địa có giá trị vừa và nhỏ như hóa đơn điện nước, mua hàng… hoặc rút/nạp tiền mà không cần tài khoản ngân hàng.

Cùng với xu hướng công nghệ hóa của hoạt động ngân hàng, đội ngũ lãnh đạo cũng đang được trẻ hóa. Đơn cử tại Kienlonbank, vào tháng 5, HĐQT thống nhất bầu Trần Thị Thu Hằng, giữ chức Chủ tịch. Bà Hằng sinh năm 1985, là chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam. Bà từng là Tổng giám đốc Tập đoàn Sunshine, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Sunshine Homes, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Sunshine Tech. Nữ doanh nhân năm nay 36 tuổi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, giai đoạn 2011-2018 với một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB.
Tháng 9, VietABank cũng bổ nhiệm ông Phương Thành Long giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ông Long sinh năm 1983, là con trai của ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai của cựu Chủ tịch HĐQT Phương Hữu Việt). Ông Phương Hữu Việt và Tập đoàn Việt Phương do ông làm chủ đang là cổ đông lớn tại VietABank.
Hay tại SeABank, bà Lê Thu Thủy, sinh năm 1983, cũng đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Tổng giám đốc ngân hàng.

NCB trước đó cũng họp cổ đông bất thường bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980, từng giữ vai trò CEO tại Sun Group. Ngay sau đó, NCB tiếp tục có sự thay đổi trong ban điều hành với việc bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc thường trực Dương Thị Lệ Hà làm Tổng giám đốc thay ông Phạm Thế Hiệp, đồng thời bổ sung 2 Phó Tổng giám đốc mới là các bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.
Không chỉ khối ngân hàng tư nhân, tại cơ quan đầu ngành ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều thay đổi nhân sự quan trọng. Nổi bật nhất, vừa qua, Thủ tướng đã bổ nhiệm hai tân Phó Thống đốc mới là ông Phạm Tiến Dũng, nguyên Vụ trưởng Thanh toán và ông Phạm Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, ở các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh cũng có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo. Hy vọng với những thay đổi về định hướng và nhân sự lãnh đạo cùng những chính sách của Ngân hàng Nhà nước, triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2022 sẽ có nhiều điểm sáng.
Hoặc nhập
Hãy chọn 1 mục trước khi biểu quyết