Cho đến nay, tiền của giới nhà giàu Hong Kong "vẫn đang ở yên tại chỗ", lãnh đạo UBS, Credit Suisse và Standard Chartered trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Mới tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Goldman Sachs chưa thấy có sự thay đổi hành vi trong số các khách hàng lớn nhưng “tình hình hiện tại cần sớm được giải quyết”, CEO David Solomon nói.
Kinh tế Hong Kong đang chao đảo vì biểu tình. Các hãng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn phải hạ lương hoặc sa thải nhân viên để trụ vững trước tình trạng du lịch suy giảm. Căng thẳng kéo dài còn làm dấy lên lo ngại ngành tài chính của thành phố, chiếm tới 20% GDP, bị ảnh hưởng.
“Khách hàng đang mở tài khoản ở Singapore, Malaysia và Đài Loan, theo thứ tự đó”, CEO Bill Winters của Standard Chartered, cho biết. “Tuy nhiên, họ mới chỉ mở tài khoản, chưa chuyển nhiều tiền”.
Theo Sergio Ermotti, đứng đầu UBS, các khách hàng “đang kích hoạt các kế hoạch dự phòng”.
Mọi người chọn cách tiếp cận chờ và xem. Credit Suisse chưa thấy có dòng tiền đáng kể nào chảy ra từ khách hàng, CEO Tidjane Thiam nói.
CEO Piyush Gupta của DBS Group Holdings tin xu hướng mở tài khoản ở nước ngoài bắt đầu từ vài tháng trước.
Giới ngân hàng ở Hong Kong đã cảnh báo nhân viên tránh vướng vào các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Standard Chartered nêu rõ “hãy để quan điểm chính trị ở nhà bởi vì chúng ta có mặt tại đây để làm việc”.
Chưa có dấu hiệu cho thấy Hong Kong đang mất đi thế mạnh tài chính, Solomon nói. “Hong Kong vẫn có vị thế rất quan trọng, là một trung tâm tài chính ở châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chúng ta cần sớm tìm ra giải pháp trong ngắn hạn”.