Trung tuần tháng 1: Lãi suất liên ngân hàng nhiều kỳ hạn đạt đỉnh 6 tháng
Trái với diễn biến ổn định ở mức thấp duy trì từ tháng 7 - 10/2017, diễn biến lãi suất đã có nhiều biến động hơn trong những tháng cuối năm 2017 cũng như trong tháng đầu tiên của năm 2018.
Từ đầu năm, lãi suất qua đêm cùng các mức lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tuần và 2 tuần đều tăng dần. Lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng đã bật tăng khá mạnh vào trung tuần tháng 1, đạt 2,2% vào ngày 12/1 - mức cao nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Đối với các kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng, lãi suất liên ngân hàng cũng đạt mức cao nhất 6 tháng trong những ngày giữa tháng 1. Riêng lãi suất kỳ hạn 3 tháng lại đi ngang trong phần lớn thời gian.
Lãi suất các tuần sau đó hạ nhiệt ở phần lớn các kỳ hạn. Đặc biệt lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng giảm 1,24 điểm phần trăm về mức 3,98% vào ngày 30/1 vừa qua. So với thời điểm cuối năm 2017, lãi suất qua đêm và 3 tháng lần lượt giảm 0,07 điểm phần trăm về mức 1,66% và 0,82 điểm phần trăm về mức 3,98%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng lần lượt tăng 0,31 và 0,05 điểm phần trăm.
Lãi suất liên ngân hàng trong tháng 1/2018 - Nguồn NHNN
Lãi suất tăng do hụt thanh khoản cục bộ
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Sài gòn năm 2017 có thể coi là một năm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ với thanh khoản thị trường tiền tệ ổn định và được duy trì ở mức thấp sau biến động trong những tháng đầu năm.
Ba nguyên nhân giúp thanh khoản ổn định trên thị trường tiền tệ được bộ phận phân tích của SSI chỉ ra. Theo đó, ngoài việc tăng trưởng tín dụng được kiểm soát ở mức vừa phải (18,17%), thấp hơn năm trước, thì việc giải ngân vốn đầu tư công chậm dẫn đến một lượng tiền lớn của KBNN vẫn được gửi tại hệ thống ngân hàng. Cùng đó, cán cân thanh toán thặng dư tạo điều kiện để NHNN đẩy mua ngoại tệ những tháng cuối năm, tăng cung nội tệ ra thị trường.
Tính đến cuối tháng 8, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng. Đến cuối quý IV, tổng tiền gửi của KBNN tại riêng 3 ngân hàng có vốn nhà nước đạt xấp xỉ 235.647 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2018, tình hình có thể sẽ đảo chiều khi Thủ tướng đã quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018 gần 372.036 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế vào ngày 19/1. Lượng cung ngoại tệ trên thị trường trong khi đó vẫn hứa hẹn tăng đáng kể trong năm nay khi sẽ có thêm nhiều thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thu hút các NĐTNN.
Thực tế, NHNN đã phải hút ròng khoảng 36.967 tỷ đồng ra khỏi nền kinh tế trong 4 tuần đầu năm 2018. Hai tuần đầu tiên, dù lãi suất tăng, NHNN vẫn phải đẩy mạnh phát hành tín phiếu với lượng hút ròng lần lượt đạt 15.466 tỷ đồng và 17.400 tỷ đồng. Duy nhất tuần cuối cùng của tháng, NHNN bơm ròng tiền ra nền kinh tế nhưng với giá trị khá khiêm tốn 3.232 tỷ đồng.
Theo đánh giá của bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI), lãi suất những ngày giữa tháng 1 dù tăng nhanh nhưng chủ yếu thiếu hụt thanh khoản chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng trong giai đoạn cao điểm về hoạt động thanh toán. Còn trên bình diện cả hệ thống ngân hàng, trạng thái thanh khoản vẫn khá dồi dào.
Cũng trong ngày 12/1 - thời điểm lãi suất nhiều kỳ hạn vươn lên mức cao nhất nhiều tháng, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất OMO từ 5% xuống 4,75% lần đầu tiên NHNN sau gần 4 năm kể từ tháng 3/2014. Đây được đánh giá là động thái để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay theo chủ trương được đề ra tại Hội nghị ngành ngân hàng tổ chức trước đó.
Lợi tức trái phiêu kỳ hạn 1 năm lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 3%
Các buổi đấu giá phần lớn đều rất thành công trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào. Tổng cộng, trong 5 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 1, KBNN gọi thầu 16.000 tỷ đồng và phát hành thành công 15.800 tỷ đồng. Kỳ hạn 10 và 15 năm được phát hành nhiều nhất với giá trị lần lượt là 4.500 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu hai kỳ hạn này liên tục giảm sau các đợt đấu giá, hiện còn 4,5% và 4,38%.
Theo nhận định của SSI Retail Research, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào khiến cho nhu cầu mua trái phiếu của các thành viên thị trường vẫn rất cao.
Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, khối ngoại duy trì hoạt động mua ròng trong 3 tuần và bán nhẹ vào tuần cuối của tháng 1. Tính đến ngày 26/1, lợi suất trái phiếu tại các kỳ hạn giảm rất mạnh và thấp hơn đáng kể so với các thời điểm trước đó. Lợi tức các kỳ hạn 1 và 2 năm lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 3%.
CDS 5 năm của Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục xu hướng giảm. Trong tuần từ 22/1-26/1, CDS của Mỹ đã có tuần giảm sâu 18,9%, từ mức 23,76 ở cuối tuần trước đó xuống còn 19,27 ở cuối tuần qua.
Thanh Thủy