"TP HCM quyết tâm rất cao nhưng khả năng năm nay rất khó khăn, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) chỉ ước hoàn thành 98%", Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã cho biết như vậy trong buổi Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm công tác tài chính - ngân sách vừa được tổ chức sáng nay.
Buổi hội nghị diễn ra tại trụ sở Bộ Tài chính cùng 62 đầu cầu các tỉnh thành với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh cũng các sở ngành Bộ Tài chính tập trung vào nội dung về thu chi NSNN, quản lý tài sản công, đầu tư công, thoái vốn DNNN, thị trường tài chính...
Đầu tư FDI giảm một nửa, TP HCM ước chỉ đạt 98% thu ngân sách
Báo cáo mở đầu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết thu cân đối NSNN 6 tháng ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017, trong khi chi NSNN 6 tháng đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017. Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm vẫn giữ được thặng dư.
Hai tỉnh thành có thu ngân sách địa phương lớn nhất là Hà Nội và TP HCM với tổng thu đạt lần lượt 120.000 tỷ đồng và 184.000 tỷ đồng. Từ đầu cầu TP HCM, Phó Chủ tịch UBND Trần Hữu Tuyến cho biết mặc dù so với cùng kỳ thu ngân sách tăng 14.000 tỷ đồng về số tuyệt đối nhưng tỷ lệ tăng lại thấp hơn cùng kỳ.
Mặc dù, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng 7,86% cùng việc triển khai đồng bộ quản lý, kiểm soát chi nhưng TP HCM vẫn gặp khó. Ông Tuyến cho biết đầu tư FDI vào TP HCM chỉ thu được nửa tỷ USD, tương đương một nửa cùng kỳ 2017, thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giảm do các doanh nghiệp cân nhắc hơn khi đầu tư vào các dự án đất. Một yếu tố khác được lãnh đạo tỉnh này nhắc đến là việc tốn nhiều thời gian để tiếp các đoàn kiểm tra thậm chí có 1 vụ việc có tới 5 đoàn kiểm tra.
![]() |
Phó Chủ tịch TP HCM nêu ý kiến Hội nghị trực tuyến về công tác tài chính ngân sách
Ước tính chỉ hoàn thành 98% trong tổng kế hoạch ngân sách 376.780 tỷ đồng được giao, lãnh đạo đầu tàu của nền kinh tế quốc gia đã đề xuất giảm chỉ tiêu dự toán thu ngân sách năm 2019 cho TP.HCM để phù hợp thực tế.
Thực tế, các năm trước đây đã có nhiều tỉnh thành hụt thu trong khi cũng không ít nơi báo vượt so với dự toán khá nhiều. Nhấn mạnh tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần khắc phục tình trạng có địa phương hụt thu trong khi nhiều nơi vượt thu, xác định nguyên nhân có đến từ công tác dự toán, trách nhiệm trung ương hay địa phương.
Dẫn lại trường hợp của TP HCM và yêu cầu Bộ Tài chính làm tốt hơn kế hoạch ngân sách năm 2019, Phó Thủ tướng cho rằng cần bám sát dữ liệu kinh tế xã hội về quản lý thuế thay vì cách làm truyền thống, áp dụng cải cách trong giao chỉ tiêu chi thường xuyên dựa trên biên chế được giao.
Không phải cứ thêm thuế mới tăng được thu ngân sách
Về mục tiêu tài chính ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu đầu hội nghị nêu lại mục tiêu thu ngân sách vượt 3% con số Quốc hội giao, đảm bảo cân đối ngân sách, giữ bội chi và tổng vay trong giới hạn Quốc hội quy định. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng con số thu ngân sách vượt dự toán 5% như Thủ tướng yêu cầu mới đây.
Các giải pháp đã được Phó Thủ tướng nêu ra. Trong đó, Bộ Tài chính được yêu cầu kiểm soát chặt chi ngân sách 6 tháng cuối năm. Đặc biệt là chi khánh tiết, lễ hội, đi công tác nước ngoài; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo kết luận thanh tra kiểm tra, đặc biệt xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Về phía thu, theo Phó Thủ tướng, không phải cứ thêm loại thuế mới là cách tốt nhất để tăng nguồn thu ngân sách. Ở một số quốc gia, 2 đồng quản lý thuế mới thu được 1 đồng thuế. Trong khi thất thu thuế ở Việt Nam rất nhiều, chống thất thu và nợ đọng thuế thậm chí mang về số thu còn nhiều hơn cả thuế tài sản.
"Trong khi việc thu thuế nhà giúp thu thêm về 2.900 tỷ đồng nếu áp với nhà trên 700 triệu đồng, 1.500 tỷ đồng nếu áp với nhà trên 1 tỷ đồng thì cũng chỉ bằng 1/50 nợ đọng thuế", Phó Thủ tướng nêu. Hay như vấn đề trốn thuế chuyển giá ông Huệ cũng yêu cầu Bộ tăng cường giám sát.
Bên cạnh tránh thất thu, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường quản lý thu, chống xói mòn cơ sở. Dẫn ra ví dụ của Đà Nẵng, tiền thu thuế từ khu vực sản xuất đã tăng lên, thu tiền sử dụng từ chiếm đa số hiện giảm còn 16%.
Một việc quan trọng khác là bồi dưỡng nguồn thu tài chính. Đã từng có ý kiến lo ngại việc nâng khoản giảm trừ sẽ gây thất thu nhưng thực tế thuế thu nhập cá nhân đã tăng các năm sau. Tăng tổng mức đóng góp mới là mục tiêu cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến thuế, Phó Thủ tướng cũng đưa ra kiến nghị về công tác thông tin truyền thông của Bộ cần có phản ứng nhanh nhạy hơn, kịp thời nhưng đúng lúc và có trách nhiệm nhất là khi yếu tố tâm lý có tác động khá lớn ở Việt Nam. Một số thông tin về chính sách thuế được công bố khi chính sách chưa thông qua có thể gây ra xáo trộn thị trường thì không nên và cần rút kinh nghiệm.
Thanh Thủy