Vừa qua, bốn ngân hàng thương mại Nhà nước Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank lần lượt công bố một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh năm 2021, dù đều tránh con số lợi nhuận cụ thể.
Với Vietcombank (HoSE: VCB), lãnh đạo ngân hàng cho biết đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được cổ đông và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Tại phiên họp thường niên năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11%, tương đương hơn 25.500 tỷ đồng.
Đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vietcombank hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% cuối năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt 963.670 tỷ đồng, tăng gần 15%. Huy động vốn thị trường I đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,5%. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức 0,63%, tăng 0,01 điểm phần trăm so với đầu năm nhưng giảm gần một nửa so với cuối quý III/2021. Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%. Ngân hàng đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với mức 424%.
Tại BIDV (HoSE: BID), lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. Đầu năm, kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020, tín dụng tăng 10 - 12%.
Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú công bố tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 11,8% với 1,33 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư ở mức 1,65 triệu tỷ đồng. Đến 31/12/2021, tổng tài sản đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2020. Tổng nguồn vốn huy động hơn 1,61 triệu tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 17% và chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
![]() |
Các ngân hàng dè dặt công bố công bố con số lợi nhuận. Ảnh: B.L |
Tương tự, Chủ tịch VietinBank (HoSE: CTG), ông Trần Minh Bình vừa qua cũng đề cập lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng vượt kế hoạch. Đầu năm, con số được cổ đông thông qua là 16.800 tỷ đồng, trên cơ sở tăng trưởng tín dụng 6-12%. Thực tế, ngân hàng ghi nhận tín dụng tăng 12,3%, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%.
Trong nhóm Big4, Agribank là đơn vị duy nhất đề cập đến con số lợi nhuận năm 2021 với hơn 14.000 tỷ đồng. Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng đạt hơn 13.200 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản Agribank đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ, tăng 7,5%. Tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% trên tổng dư nợ và chiếm hơn 36% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này toàn ngành.
Ngoài bốn ngân hàng quốc doanh, TPBank (HoSE: TPB) là nhà băng tư nhân đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Tổng tài sản của TPBank tăng gần 42%, vượt trên 17% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% chỉ tiêu đã đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9%. Tổng huy động đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân.
Techcombank ước tính dẫn đầu nhóm tư nhân về lợi nhuận
Vừa qua, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cũng đưa ra ước tính lợi nhuận của một số ngân hàng năm 2021. Lợi nhuận trước thuế Techcombank (HoSE: TCB) ước tính sẽ gần chạm mức tỷ USD với 23.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 22%, biên lãi thuần (NIM) cải thiện và hoạt động kinh doanh quản lý tài sản tiếp tục thuận lợi với môi trường lãi suất thấp.
Với MB (HoSE: MBB), SSI Research nhận định với tín dụng tăng tốc nhanh trong tháng 11 và tháng 12/2021, ngân hàng sẽ sử dụng hết hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp. Lợi nhuận trước thuế quý IV dự kiến đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận ước đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Tổng nợ xấu và dư nợ tái cơ cấu ước tính thấp hơn 2%, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tiếp tục được cải thiện lên khoảng 300%.
Tương tự, SSI Research cũng cho rằng hoạt động của Sacombank (HoSE: STB) hồi phục mạnh trong quý IV (so với quý III) do thị trường tập trung ở miền Nam. Nhu cầu vay tăng sau thời gian giãn cách xã hội và SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14 - 14,5% cho cả năm 2021. Do đó, lợi nhuận năm 2021 ước tính đạt 4.200-4.400 tỷ đồng, tăng 27-32% so với cùng kỳ.
Với ACB (HoSE: ACB), SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV giảm 9% so với quý III và giảm 10% so với cùng kỳ ở mức 9.000 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, ACB có thể ghi nhận 11.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 23,2% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định, với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
HDBank (HoSE: HDB) được ước tính tăng trưởng tín dụng 19% trong năm 2021. Doanh thu bancassurance hồi phục trong tháng 10 và tháng 11 giúp ngân hàng vươn lên vị trí thứ 6-7 về thị phần phí bảo hiểm hàng năm (APE). Lợi nhuận trước thuế quý IV ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 sẽ ở mức 38-39% so với 2020.
Tại VIB (HoSE: VIB), lãi trước thuế quý IV ước tính đạt 2.270 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và tăng 64% so với quý trước. Cả năm 2021, ngân hàng có thể đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng 31%.