Trái với tình trạng “làm việc tại nhà” của phần lớn thời gian quý III, anh Thành, nhân viên tín dụng của một ngân hàng trong top 10 tài sản, bận rộn hơn sau giãn cách. Từ đầu tháng 10, anh bắt đầu tiếp cận lại khách hàng vay vốn. Những ngày giữa tháng, nhu cầu và lượng người muốn vay tăng, 4-5 khách hàng/ngày. Theo anh Thành, ngân hàng anh muốn đẩy mạnh tín dụng trong quý IV, để bù đắp phần chững lại của quý trước, các chỉ tiêu đã được thiết lập.
Anh Long, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thuộc nhóm “Big4” cũng bắt đầu bận trở lại với việc giải ngân khi các hoạt động về hồ sơ thủ tục không còn tắc nghẽn. Bản thân các nhân viên tín dụng cũng chủ động đẩy mạnh doanh số giải ngân nhằm hoàn thành KPI, để nhận thưởng cả năm.
Quý IV hàng năm vẫn được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng. Năm 2020, tính đến cuối tháng 9, tín dụng tăng 6%, trong khi cả năm là 12%. Năm nay, đến cuối quý III, tín dụng tăng 7,42%, cao hơn so với năm trước, do đó tăng trưởng cả năm có thể cao hơn.
CTCK Chứng khoán Mirae Asset dự báo trong kịch bản lạc quan, tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể khoảng 13%. Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng con số này khoảng 12-13%, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và doanh nghiệp hồi phục tích cực. Đơn vị này cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng trong quý IV sẽ mạnh hơn 2 quý trước do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
![]() |
Bản thân các ngân hàng dự báo dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm 4 điểm phần trăm trong quý IV và tăng 12,3% trong năm 2021, dù thấp hơn mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ khảo sát quý III. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm. Lãnh đạo cơ quan này từng chia sẻ NHNN không kìm hãm giải ngân và có thể nới room tín dụng với các ngân hàng đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cũng dự báo, khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng vốn sẽ tiếp tục tập trung chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang bước vào quý cuối cùng của năm, nhu cầu về tín dụng thông thường cũng sẽ cao hơn rất nhiều.
Mặt khác, theo TS. Cấn Văn Lực, khi các hoạt động dần trở lại bình thường đà tăng của nợ xấu tới cuối năm và năm tới cũng chậm lại vì một số doanh nghiệp khơi thông được sản xuất, dòng tiền phục hồi, những khoản nợ có khả năng trang trải… Những ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng cao thời gian qua sẽ có tiềm năng hoàn nhập dự phòng khi các khoản nợ xấu được xử lý, đặc biệt món nợ liên quan đến Covid-19 khi dịch được kiểm soát.
CTCK Mirae Asset nhận định chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến xấu khi các nhà băng vẫn được phép tái cơ cấu nợ cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết năm 2022, NHNN cũng có thể kéo giãn thêm thời gian trong trường hợp cần thiết.
Lợi nhuận phân hóa
Dù triển vọng trong quý IV được đánh giá khả qua hơn, một số phân tích vẫn thận trọng với kết quả cả năm của ngân hàng. Trong báo cáo mới nhất về ngành, CTCK BIDV (BSC) hạ dự báo tổng thu nhập và lợi nhuận trước thuế lần lượt 2 điểm phần trăm và 4 điểm phần trăm so với đánh giá trước. Dù vậy, con số ước tính vẫn tăng trưởng 17% và gần 29% so với năm 2020.
Theo BSC, nguyên nhân hạ dự báo lợi nhuận chủ yếu từ việc trích lập dự phòng các khoản nợ của Thông tư 03 trong nửa sau năm 2021 và dự báo chất lượng tài sản giảm nhẹ do dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi các ngân hàng hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, biên lãi thuần (NIM) cũng sẽ thu hẹp, thấp hơn so với nửa đầu năm. Dù vậy, BSC đánh giá NIM giảm sẽ không tác động quá nhiều đến thu nhập lãi thuần nhờ việc giảm lãi suất huy động thời gian tới để tiết giảm chi phí vốn, và tăng tỷ trọng.
Trong khi đó, CTCK Guotai Junan Việt Nam đánh giá lợi nhuận sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, nhóm thương mại cổ phần (TMCP) dẫn đầu và nhóm thương mại cổ phần nhỏ. Quy mô nhỏ cùng tập khách hàng tập trung giúp nhóm TMCP nhỏ dễ dàng mở rộng quy mô tín dụng so với tổng tài sản và có đạt tốc độ tăng trưởng cao.
![]() |
Các ngân hàng nhỏ có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao . Ảnh: ABBank. |
Ngược lại, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chịu áp lực từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là việc đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng và giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN. Thứ hai các khách hàng lớn, số lượng nhiều và chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao. Thứ ba, sự kém linh động hơn về số hóa, độ phủ chi nhánh lớn khiến chi phí hoạt động vẫn ở mức cao. Và cuối cùng, biến động nhân sự tại VietinBank hay Vietcombank cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chiến lược/quan điểm tiếp cận rủi ro của ngân hàng.
Ở nhóm giữa, các ngân hàng TMCP cổ phần có số dư nợ từ 200.000-400.000 tỷ đồng như Techcombank, MB, VPBank, VIB, Sacombank cũng có sự phân hóa nhất định. Techcombank và MB có triển vọng sáng hơn nhờ cải thiện được chất lượng tài sản cùng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Phân khúc hoạt động cũng bền vững, ít chịu ảnh hưởng ngắn hạn hơn so với VPBank khi nhiều khách hàng của ngân hàng cũng như FE Credit chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Về dài hạn, các bên đều có đánh giá lạc quan về ngành ngân hàng. Trong năm 2022, BSC dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận không cao. Đồng quan điểm, CTCK Guotai Junan Việt Nam kỳ vọng ngành ngân hàng tích cực hơn vào năm tới, đặc biệt sau khi phần lớn dân số đã được tiêm vaccine và kỳ vọng vào mức miễn dịch cộng đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14% trong năm 2022 nhờ hồi phục các hoạt động kinh doanh, tiêu dùng.
*Danh tính nhân viên tín dụng đã được thay đổi