Thứ sáu, 31/3/2023 | 03:51 GMT+7Dữ liệu doanh nghiệp

Contact

Điện thoại:
(+84) 243 9412852

Email:
info@ndh.vn

Ghi rõ nguồn “Người Đồng Hành” khi phát hành lại thông tin từ Chuyên trang Người Đồng Hành.

Nhìn lại nửa đầu năm 2022 StartupQ&A Elon Musk mua Twitter Bí mật đồng tiền Ngày ấy - Bây giờ
Thứ hai, 22/1/2018, 17:51 (GMT+7)

Nếu không thu hồi 4.500 tỷ đồng thì CBBank được lợi kép

Khổng Chiêm Thứ hai, 22/1/2018, 17:51 (GMT+7)

Chiều nay (22/1), các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục phần tranh tụng. Quan điểm bào chữa của các luật sư tập trung khá nhiều vào nguyên nhân phạm tội và làm rõ dòng tiền 4.500 tỷ đồng Phạm Công Danh và đồng phạm rút ra từ BIDV để thực hiện quá trình tăng vốn.

Luật sư Bùi Phương Lan đặt câu hỏi vì sao bị cáo Danh phải đi vay nhiều như vậy? Luật sư muốn nói lý do bị cáo Danh phải đi vay nhiều tiền, đây chính là nguyên nhân khách quan, chủ quan đến các hành vi phạm tội.

Luật sư nói bị cáo Danh nhiều năm làm trong lĩnh vực xây dựng, mong muốn của bị cáo là có một ngân hàng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng. Để thực hiện mong ước này, bị cáo có xin NHNN thành lập 1 ngân hàng mới nhưng không được chấp nhận, chỉ cho phép tái cơ cấu lại ngân hàng thua lỗ.

Do đó, bị cáo Danh quyết định mua lại ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ. Tại thời điểm mua, VNCB lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng. Song bị cáo Danh tin vào sự hỗ trợ của NHNN, Hà Văn Thắm và tin bà Phấn nên huy động mọi nguồn lực để cứu ngân hàng ra hoàn cảnh khó khăn.

Bị cáo Danh cùng các cán bộ phải bỏ ra khoản chăm sóc khách hàng, huy động vốn, đảm bảo thanh khoản ngân hàng. Để huy động hơn 40.000 tỷ đồng trong suốt 3 năm, số tiền lãi trả ngoài trên 2.700 tỷ đồng cho nhóm Trần Quí Thanh. Luật sư Lan đề xuất thu hồi khoản chi lãi ngoài này.

Về số tiền 4.500 tỷ đồng, luật sư nêu quan điểm CBBank (tên gọi mới của VNCB sau khi được mua lại 0 đồng) cho rằng số tiền này đã hòa chung vào dòng tiền, sau khi NHNN mua lại VNCB giá 0 đồng thì không còn trả lại cho các bị cáo. Luật sư cho rằng 4.500 tỷ đồng là số tiền lớn, là dạng vật chất, không thể biến mất hay hòa tan. Nó phải có đường đi, sử dụng với các mục đích cụ thể.

Luật sư cho biết qua quá trình thẩm vấn, CBBank không có căn cứ đưa ra lý do 4.500 tỷ đồng hòa chung vào dòng tiền. Trong trường hợp VNCB không được tăng vốn điều lệ thì số tiền trên phải được trả lại cho các đối tượng liên quan.

Cụ thể, từ ngày 14/2 đến 29/2, VNCB đã chuyển 4.500 tỷ đồng từ tài khoản VNCB tại LienVietPostBank qua tài khoản VNCB, chi nhánh Sở giao dịch NHNN. Số tiền này đã chuyển đủ về NHNN cho thấy nguồn vốn đã huy động được đầy đủ.

Lúc bấy giờ, NHNN chưa có quyết định chính thức cho VNCB tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Theo quy định, khi chưa hoàn thành các thủ tục thanh toán thì số tiền phải được hạch toán vào khoản mục “Các khoản phải trả” và VNCB chưa được sở hữu hợp pháp với số tiền trên. Do đó nếu nói hòa vào dòng tiền chung và sử dụng hết theo tính chất như người chủ sở hữu thì trái pháp luật. Lúc này VNCB chỉ được là người giữ số tiền đó, không được phép sử dụng.

Đồng thời, khi VNCB không được phép tăng vốn điều lệ, về nguyên tắc 4.500 tỷ đồng này phải được trả lại cho người nộp tiền. Vì vậy, nếu CBBank đã sử dụng hết tức là đã làm sai.

Luật sư đề cập tới việc ai đã dùng khoản tiền 4.500 tỷ đồng đó. Đại diện CBBank tại phiên tòa trước đã xác nhận Phạm Công Danh đại diện cho VNCB sử dụng vào mục đích của VNCB. Do đó, luật sư cho rằng CBBank là đơn vị hưởng lợi từ số tiền này. Bởi lẽ, Phạm Công Danh dùng hơn 3.000 tỷ đồng của VNCB để đảm bảo cho khoản vay tại BIDV, dẫn đến thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng cho VNCB. Xét về dòng tiền ra vào, mang 3.000 tỷ đồng đi cầm cố được đem về 4.500 tỷ đồng nộp vào tài khoản VNCB thì rõ ràng không hề có thiệt hại.

Luật sư phân tích thêm nếu không xem xét thu hồi 4.500 tỷ đồng thì CBBank được hưởng lợi kép, vừa được 4.500 tỷ đồng vừa được bồi thường 6.126 tỷ đồng (nếu kiến nghị bồi thường được thông qua). Như vậy CBBank được hơn 9.000 tỷ đồng.

Quan điểm của luật sư là khi NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng, NHNN vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và các cổ đông. Do đó trong trường hợp này, CBBank phải có trách nhiệm trả lại tiền cho người nộp tiền vào, tức trả lại cho bị cáo Danh rồi bị cáo Danh trả lại cho 22 cá nhân góp tiền tăng vốn.

Luật sư một lần nữa nhấn mạnh việc CBBank nói 4.500 tỷ đồng hòa vào dòng tiền, không xác định được và không trả lại cho vụ án là không đúng, xâm phạm quyền lợi các bị cáo và ảnh hưởng tới các đối tượng liên quan. Trong trường hợp CBBank đã sử dụng hết cho công việc của ngân hàng thì CBBank phải tự khấu trừ vào số tiền 6.126 tỷ đồng.

Luật sư Trương Quốc Hòe, cùng bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh còn đề nghị HĐXX xem xét kiến nghị đánh giá hành vi mua bán 0 đồng của NHNN; kiến nghị hành vi về tổ giám sát NHNN (nếu làm đúng chức trách thì thiệt hại vụ án không xảy ra). Đề nghị truy thu 4.500 tỷ đồng, số tiền này vẫn được thể hiện trên tài khoản treo, không có chuyện "hòa chung" dòng tiền do không phù hợp chuẩn mực kế toán. Do đó, luật sư đề nghị phải ghi nhận 4.500 tỷ đồng cấn trừ nợ.

Khổng Chiêm

 

Đăng nhập bằng

Hoặc nhập

Thông báo

Thông báo

Hãy chọn 1 mục trước khi biểu quyết

Thông báo