Không gia tăng dư nợ tái cơ cấu
Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến thời điểm cuối quý III, tổng dư nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 01 của toàn hệ thống ngân hàng ở mức khoảng 3,9%. Trong đó, một số ngân hàng có tỷ lệ dư nợ được tái cơ cấu cao như: VPBank (10,5%), TPBank (7,4%), Eximbank (6%), HDBank (4,5%). Thời điểm đó, có những ý kiến lo ngại hình thành áp lực nợ quá hạn và phát sinh nợ xấu sau khi hết hiệu lực chương trình hỗ trợ đối với các ngân hàng.
Tuy nhiên, VCBS cũng đã thừa nhận, trong quý III và các tháng cuối năm 2020, do sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, nhu cầu tái cơ cấu các khoản nợ của các DN đã vượt qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh không lớn nên “nhiều ngân hàng không ghi nhận sự gia tăng của dư nợ tái cơ cấu” và “lợi suất ghi nhận trên danh mục cho vay có sự phân hóa và hồi phục mạnh ở nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt”.
Theo số liệu của NHNN đến giữa tháng 11/2020 các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng trên 341.800 tỷ đồng dư nợ, không tăng nhiều so với con số 321.000 tỷ đồng đã thống kê vào giữa tháng 9. Trong khi đó, lãnh đạo một số NHTM nhận định, dư nợ tái cơ cấu phần nhiều đã được khách hàng tất toán và trở lại trạng thái bình thường.
![]() |
Lãnh đạo một số NHTM nhận định, dư nợ tái cơ cấu phần nhiều đã được khách hàng tất toán và trở lại trạng thái bình thường. |
Đáng chú ý thời gian gần đây có ý kiến cho rằng, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực. Tuy nhiên ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho rằng, mặc dù các khoản nợ được gia hạn thời gian trả nợ theo Thông tư 01 có ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng, nhưng sức ảnh hưởng là không lớn. Vietcombank có số dư nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được cơ cấu là khoảng 8.000 tỷ đồng. “Vừa rồi, chúng tôi có đánh giá tác động thì hết thời gian giãn nợ, cơ bản các doanh nghiệp sẽ có dòng tiền trả nợ đúng hạn. Nên sang năm 2021 Vietcombank nhất quán là nợ xấu vẫn kiểm soát mức 1%”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro VPBank cho hay, 9 tháng đầu năm 2020, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01 với tổng dư nợ gần 27.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/9, hơn 96% số dư nợ được tái cấu trúc này đã trở lại trạng thái bình thường.
Còn bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc MB cũng thông tin, giải pháp giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01 đang được đơn vị thực hiện khá hiệu quả. “Nhiều khách hàng được giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ tại MB đã bắt đầu trả được nợ từ quý II và quý III/2020, mà không cần chờ tới năm sau”, bà Hà thông tin.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BSC, với sự phục hồi khá nhanh của cộng đồng DN trong nửa cuối năm 2020, áp lực phát sinh nợ xấu từ các khoản nợ đã được tái cơ cấu theo Thông tư 01 đối với hệ thống NHTM trong các tháng tới sẽ không quá lớn.
Theo BSC, đến hiện nay hệ số an toàn (CAR) trung bình theo tiêu chuẩn Basel II của nhiều NHTM ở mức 10,7%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 30%. Trong các tháng vừa qua, không chỉ các ngân hàng lớn mà cả các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa cũng tỏ ra thận trọng hơn đối với nợ xấu qua việc chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đơn cử một số ngân hàng như ở SCB, Sacombank... chấp nhận hy sinh lợi nhuận mạnh tay giảm nợ xấu.
“Việc lựa chọn tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu có thể giúp ngân hàng nhanh chóng tái cân bằng sau khi lượng nợ xấu tái cơ cấu theo Thông tư 01 dần dần được ghi nhận vào báo cáo tài chính”, BSC nhận định.
Các chuyên gia của VCBS nhận định, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tăng vào quý III/2020. Tuy nhiên, với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, cộng thêm việc các NHTM tích cực thực hiện trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai nên sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021.
Ghi nhận từ thực tế tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam đến thời điểm hiện nay tốc độ tăng trưởng cho vay sản xuất kinh doanh đã có sự phục hồi mạnh. Hiệp hội DN TP HCM khảo sát cho kết quả, đến cuối tháng 11 vừa qua đã có 35% DN trên địa bàn bắt đầu ổn định sản xuất và có tăng trưởng dương về doanh thu. Nhiều DN đã tất toán các khoản nợ cũ và vay mới để tập trung tích trữ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021.
Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN chi nhánh thành phố Cần Thơ cũng nhận định, khả năng đến hết năm 2020 tăng trưởng tín dụng trên địa bàn sẽ đạt 10% vì hiện nay sức hấp thụ vốn của DN đang rất mạnh. “Hầu hết các DN phục hồi được sản xuất trở về trạng thái bình thường và đã thực hiện tất toán nợ, cơ cấu theo Thông tư 01. Điều này cho thấy các giải pháp kịp thời của NHNN Việt Nam và sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng đang mang đến hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển ổn định kinh tế - xã hội”, ông Hà nhận định.