Đây là phương án xử lý với một trong hai vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018-2020 Bộ Tài chính mới trình Quốc hội vào chiều nay 26/5.
Cơ quan này cho biết Báo cáo số 480/BC-CP ngày 09/10/2015 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xác định nghĩa vụ của Ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc liên quan đến khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 là 22.090 tỷ đồng.
Từ năm 2006, Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực và quy định Nhà nước sẽ phải chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc hằng năm để đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995 đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước thời điểm này.
Số tiền 22.090 tỷ đồng dù đã được xác định từ năm 2015 và phải hoàn tất trả nợ vào năm 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán NSNN năm 2016-2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ trên.
"Lý do là hiện tại hằng năm Quỹ Bảo hiểm xã hội đều có kết dư; nếu NSNN bố trí chuyển 22.090 tỷ đồng vào Quỹ thì cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng để đầu tư mua trái phiếu Chính phủ", báo cáo trình Quốc hội cho biết.
Do đó, phương án xử lý mà Bộ Tài chính đưa ra nhằm xử lý dứt điểm vấn đề này là trả nợ 22.090 tỷ đồng theo hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lộ trình phát hành trái phiếu cũng sẽ kết thúc vào năm 2020 như yêu cầu trả nợ Quỹ trong tờ trình gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2015. Dự kiến, lượng trái phiếu phát hành năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng
Tổng số tiền phát hành ngoài nợ gốc còn tính nợ lãi phát sinh từ thời điểm xác nhận nghĩa vụ của NSNN đối với Quỹ (1/1/2016). Với số lãi phát sinh sẽ được cộng dồn vào năm 2020 để thanh toán, hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung.
Lợi ích từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo nguyên tắc như trên theo báo cáo là "không làm tăng bội chi NSNN" và "vẫn đảm bảo cân đối NSNN, an toàn nợ công giai đoạn 2018-2020".
Bộ Tài chính tính toán ngân sách trung ương tăng chi trả nợ lãi trong 2 năm 2019-2020 khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng; nợ công giai đoạn 2018-2020 tăng thêm khoảng 0,4%GDP (đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, dư nợ công bằng khoảng 61,4% GDP).
Thanh Thủy