Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đã từng đứng ở vị trí thứ 5, thứ 6 trên bảng xếp hạng quy mô các ngân hàng tại Việt Nam tuy nhiên giai đoạn 2015-2016, ngân hàng đã rơi xuống vị trí thứ 15 và leo lên vị trí 13 vào năm 2017.
Mặc dù vậy, hai vụ mất tiền gửi lớn của khách hàng gần đây khiến danh tiếng ngân hàng bị ảnh hưởng trầm trọng. Vị thế, tương lai của ngân hàng ra sao là điều các cổ đông lo lắng.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Lê Văn Quyết - Tổng giám đốc Eximbank- cho biết ngân hàng đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc đến 2020 với 4 mục tiêu trọng tâm. Đó là, tập trung xử lý tồn đọng, đưa Eximbank về mức chuẩn của ngân hàng bình thường; chặn đà suy giảm và từng bước nâng thị phần ngân hàng trở lại trong tốp 10 đơn vị hàng đầu; cải tổ toàn bộ hệ thống quản trị nội bộ, minh bạch hóa toàn bộ hoạt động; cuối cùng là cấu trúc lại tài sản của ngân hàng, đặc biệt là tài sản nợ, có theo hướng bền vững, an toàn.
Theo đó, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng đến 2020 có thể trở lại mặt bằng hoạt động ổn định và bền vững. Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 2.500 tỷ và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 12% trong năm 2020. Đồng thời, ngân hàng cũng đang cố gắng đưa tổng nợ xấu thực (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và bán cho VAMC) về dưới 3% tổng dư nợ, lộ trình năm 2018 có thể đưa nợ xấu xuống 2.400 tỷ, năm 2019 đưa dưới 1.000 tỷ và cuối năm 2019 mua hoàn toàn nợ xấu đã bán cho VAMC.
Được biết, năm 2020 là năm kết thúc nhiệm kỳ của HĐQT được bầu vào 15/12/2015. HĐQT mới của Eximbank với người dẫn đầu là ông Lê Minh Quốc giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Hùng Dũng, trong khi ban điều hành được dẫn dắt bởi ông Trần Tấn Lộc làm Quyền Tổng giám đốc một thời gian sau đó đến ông Lê Văn Quyết - Tổng giám đốc thay ông Phạm Hữu Phú. HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 mới tiếp nhận đã vấp phải khó khăn và thử thách lớn khi năm 2015 ngân hàng phải tập trung xử lý những tồn đọng cũ như việc điều chỉnh lợi nhuận từ những năm 2010-2013 chưa được ghi nhận đến thời điểm 31/12/2015 làm phát sinh khoản lỗ lũy kế lớn hơn 800 tỷ đồng.
Qua ba năm thực hiện tái cấu trúc và hơn một năm thực hiện dự án “Eximbank Mới”, tính đến cuối năm 2017 đơn vị đã hoàn toàn sạch lỗ lũy kế. Cụ thể, lỗ lũy kế trên BCTC hợp nhất tại ngày 31/12/2014 là 834,5 tỷ đồng được bù đắp bởi lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ qua các năm của ngân hàng như năm 2015 là 22 tỷ, năm 2016 là 242,8 tỷ và năm 2017 là 483,1 tỷ đồng. Sau khi bù đắp hết lỗ lũy kế thì ngân hàng còn lại 158,5 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại chưa phân phối.
Dẫu lợi nhuận cải thiện mạnh giúp xóa lỗ lũy kế nhưng thực tế hoạt động kinh doanh của Eximbank không mấy khởi sắc. Thu nhập lãi thuần của đơn vị giảm dần qua các năm, riêng năm 2017 là giảm 13,4% chỉ đạt 2.667,8 tỷ đồng. Theo như giải thích của vị Tổng giám đốc thì từ 2016 đến nay, ngân hàng đã tái cấu trúc tài sản chuyển hướng từ cho vay trung, dài hạn thành ngắn hạn, mục tiêu là đưa tỷ lệ cho vay ngắn hạn so với cho vay trung hạn và dài hạn về 50:50, điều đó khiến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) giảm. Đây là điều ngân hàng phải chấp nhận để đưa cấu trúc tài sản về an toàn hơn, đạt đến mức an toàn theo quy định của NHNN và hướng đến sự bền vững.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng có cải thiện nhưng không đáng kể, năm 2015 ghi nhận ở mức 292 tỷ thì năm 2017 tăng lên 331 tỷ đồng. Theo ông Quyết, sau khi tái cấu trúc tài sản xong thì ngân hàng sẽ tập trung vào những hoạt động dịch vụ khác để cải thiện biên lợi nhuận.
3 năm vừa qua, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng không có nhiều biến động quanh mốc 1.470 tỷ đồng, riêng năm 2017 lên 1,622 tỷ là nhờ có 126 tỷ đồng thu nhập từ thoái vốn Sacombank. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng cải thiện nhiều từ 61 tỷ năm 2015 lên 390,6 tỷ năm 2016 và 1.017,6 tỷ đồng năm 2017 là nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh.
![]() |
Cả năm 2018, Eximbank đề ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 57% so với năm 2017. Quý I vừa qua, ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế đột biến với 560 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành đến 35% kế hoạch năm. Tuy nhiên, riêng phần lợi nhuận từ bán cổ phiếu Sacombank đã đóng góp 521,4 tỷ đồng trong khi thu nhập lãi thuần tiếp tục suy giảm, thu nhập lãi từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối đều không đáng kể. Như vậy, phần lợi nhuận từ hoạt động chính chỉ gần 40 tỷ đồng, thực chất là suy giảm khá nhiều so với quý I/2017.
Nhìn chung, Eximbank vẫn đang loay hoay với những tồn đọng cũ mà những cái mới thì chưa thực sự rõ nét. Và theo ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch Eximbank thì năm 2018 mới là năm bản lề để ngân hàng triển khai kế hoạch phát triển giai đoạn 2018-2020.
Ngọc Điểm