Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán tính đến 20/12 tăng 11,34% so với cuối năm 2017, trong khi năm 2017 tăng trưởng 14,19%.
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,56%, tín dụng tăng 13,3%. Cả hai chỉ tiêu trên đều thấp hơn so với năm 2017, tăng trưởng huy động vốn và tín dụng lần lượt đạt 14,5% và 16,96%.
Mặc dù gần đây một số ngân hàng thương mại đã có động thái tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong mùa vụ kinh doanh cao điểm nhất của năm, mức độ tăng nhỏ và không thể hiện xu hướng tăng của thị trường.
Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 20/12 hàng năm
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Về hoạt động tín dụng, theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu tín dụng nhìn chung tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên, các dự án lớn trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng tăng chậm lại theo quan điểm của nhiều chuyên gia là một điểm tích cực. Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, việc tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng 17-18% đến năm 2020 sẽ gây mất bình ổn cho nền kinh tế. Hơn nữa, về phía cầu, tăng trưởng GDP không cần nhờ tăng trưởng tín dụng cũng điểm khác biệt của năm 2018.
Ngọc Linh