Thứ sáu, 24/3/2023 | 06:48 GMT+7Dữ liệu doanh nghiệp

Contact

Điện thoại:
(+84) 243 9412852

Email:
info@ndh.vn

Ghi rõ nguồn “Người Đồng Hành” khi phát hành lại thông tin từ Chuyên trang Người Đồng Hành.

Nhìn lại nửa đầu năm 2022 StartupQ&A Elon Musk mua Twitter Bí mật đồng tiền Ngày ấy - Bây giờ
Thứ hai, 5/2/2018, 21:34 (GMT+7)

Để đội U23 phát triển tiếp

Trần Ngọc Tùng Thứ hai, 5/2/2018, 21:34 (GMT+7)

1. Nhìn đường đi của đội U23 Việt Nam, từ những trận đá vòng ngoài tới vòng chung kết, người ta dễ nhận ra một sự tiến bộ vượt bậc so với các đội bóng nước ta trước đây. Giới chuyên môn đã phân tích về khía cạnh kỹ thuật, khía cạnh chiến thuật, tính kỷ luật với chiến thuật, tinh thần đồng đội và kiên cường, tính đạo đức thể thao bóng đá... Có nhiều nhân tố giúp đội bóng chúng ta thành công vững vàng.

2. Xem từng trận đấu, càng thấy rõ tinh thần và đạo đức của đội là nhân tố thành công chính yếu quyết định các nhân tố kia. Khi một cầu thủ trên sân bị đau, các anh đá bóng ra biên cho dù đang trong hoàn cảnh thuận lợi. Đang bị dẫn trước, các anh vẫn tỉnh táo, kiên nhẫn tiếp tục chiến đấu, không chơi xấu. Khi bị chơi xấu, các anh bình tĩnh không đáp trả. Tính đồng đội cao. Ngoan cường, dẻo dai vì màu cờ sắc áo và cũng vì người hâm mộ. Tinh thần và đạo đức đó giúp các anh bình tĩnh tìm phương án tối ưu trong mỗi tình huống mà vẫn tuân thủ chiến thuật chung.

3. Chính huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo mang lại cho đội tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, đạo đức sân cỏ và khát khao vươn tới. Trong kinh doanh người ta thường gọi đó… sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi; việc xác định chúng là kế hoạch chiến lược nhất của bất kỳ đội ngũ, tổ chức nào. HLV có thể không nói ra những từ hay khái niệm đó, nhưng huấn luyện để từng thành viên đội tuyển biết đội cần tuân thủ những giá trị cốt lõi gì (mà nội dung chính là đạo đức ra sao), đội hướng tới đâu (tầm nhìn), những trách nhiệm chung nhất của đội là gì (sứ mạng). Khi mỗi thành viên thấm nhuần những điều trên, đội bóng đã nắm vũ khí chiến lược hữu hiệu nhất trong tay, các việc còn lại chỉ là phương thức tiến hành phục vụ kế hoạch chiến lược đó.

4. Tại sao HLV Park Hang Seo làm được điều này mà các HLV trong nước trước đó chưa làm được? Có thể do ông Park Hang Seo nắm chắc hơn nguyên tắc làm việc này, bởi vì ông sống trong một xã hội nơi các giá trị đạo đức rất được tôn trọng. Chính quyền phải trung thực với dân. Các thành viên trong xã hội bình đẳng và tôn trọng nhau. Pháp luật rõ ràng và xét xử công minh. Hệ thống giáo dục trong sạch và khai phóng. Trong một xã hội như vậy, tỷ lệ người có đạo đức xã hội và lương tâm chức nghiệp cao hơn trong xã hội mà những điều kiện đó không đủ. Cũng có thể ông Park Hang Seo thoát khỏi các vướng mắc một HLV trong nước thường mắc phải. Là khuôn mặt mới, ông sẵn sàng và dễ dàng áp dụng phương pháp hiệu quả. Là người nước ngoài, ông không để bị ràng buộc bởi các thói quen không hữu hiệu của xã hội Việt Nam. Tâm lý của xã hội Việt Nam cũng dễ dàng chấp nhận nghe theo ông hơn là nghe theo một HLV trong nước.

5. Bài học lý thuyết về kế hoạch chiến lược có nhiều trong sách. Châm ngôn để lại cũng nhiều, chẳng hạn như “người không chí hướng như thuyền không lái, ngựa không cương”. Đội U23 này cho chúng ta một ví dụ rõ nét. Không có đạo đức, một đội ngũ, một tập thể không thể phát triển bền vững. Không có kỷ luật thì không tiến xa được vì đội ngũ chỉ là những cá nhân đơn lẻ bên nhau không có sức mạnh tập thể. Bài học này nên mở rộng ra cho cả xã hội.

6. Đội U23 vừa đoạt huy chương bạc châu Á. Nhiều người tin rằng đội đang tạo đà cất cánh cho nền bóng đá Việt Nam bay vào châu lục rồi ra thế giới. Tôi cũng có ước mơ đó, nhưng lo sợ rằng nếu không có môi trường tốt, đội ngũ đó khó trụ vững lâu dài như một đội ngũ của tuần lễ vừa qua. Như đã phân tích ở trên, nhân tố thành công lớn nhất của một đội bóng, một nền bóng đá mạnh là nhân tố tinh thần, đạo đức thể thao. Nhân tố đó cần được rèn giũa trong một môi trường lành mạnh. Môi trường bóng đá Việt Nam ra sao? Những tệ nạn như mua bán, dàn xếp tỷ số còn không? Nếu có, chúng được xử lý ra sao? Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có thực sự vì bóng đá hay còn vì nhiều mục tiêu khác nữa? Có bè phái, con ông cháu cha trong giới quan chức bóng đá không? Tác phong và tư cách của các “người lớn” trong bóng đá có làm gương cho cầu thủ được không? Bên ngoài môi trường bóng đá, môi trường xã hội như thế nào, xét khía cạnh giáo dục, hành chính công, văn hóa, kinh tế...?

Tôi nghĩ, đội U23 vừa rồi đã làm tròn trách nhiệm của mình. Đất nước cám ơn các anh, và đất nước cần làm tròn trách nhiệm với đội U23. Đó là xây dựng một môi trường lành mạnh để tiếp năng lượng cho đội giữ được sức mạnh của mình và tiếp tục phát triển.

Nhìn một số cổ động viên người Việt căng băng rôn chửi tục tĩu cầu thủ Sidorov của đội Uzbekistan, người ghi bàn thắng quyết định vào lưới chúng ta, mang đến cho đội này chức vô địch, tôi hiểu trách nhiệm này của đất nước rất nặng nề. Dựng lại một nền văn hóa theo truyền thống dân tộc và phù hợp với văn minh nhân loại thời đại là việc lâu dài. Cần bắt đầu từ bây giờ, dựng lại một cách toàn diện, trên tất cả các mặt văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, chính trị...

Theo Lê Học Lãnh Vân/thesaigontimes.vn

 

Đăng nhập bằng

Hoặc nhập

Thông báo

Thông báo

Hãy chọn 1 mục trước khi biểu quyết

Thông báo