Lực cầu dâng cao, VN-Index tăng gần 22 điểm
Nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hoá vừa và nhỏ tiếp tục giao dịch tiêu cực và giảm sâu. Một sổ cổ phiếu vốn hoá lớn có sự hồi phục tốt trở lại và góp phần kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Đà tăng của thị trường diễn ra mạnh mẽ khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu bứt phá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong phiên 12/4 khi hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo vào cuối phiên. Chỉ sau 3 phiên giao dịch, VN-Index đã để mất đến gần 70 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản ở phiên giao dịch hôm qua tiếp tục giảm. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 23.416 tỷ đồng, giảm 10,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 10,4% và đạt 20.151 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 270 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có thể tạo đáy ngắn hạn và phục hồi khi VN-Index về vùng 1.425-1.450 điểm. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định với nhịp giảm đã kéo dài 3 phiên liền, VN-Index sẽ tiếp tục giảm nhẹ và rơi vào trạng thái quá bán tại vùng 1.440-1.455 điểm trước khi có nhịp hồi phục kỹ thuật.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 12/4, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Dow Jones giảm 87,72 điểm, tương đương 0,26%, xuống 34.220,36 điểm. S&P 500 giảm 15,08 điểm, tương đương 0,34%, xuống 4.397,45 điểm. Nasdaq giảm 40,38 điểm, tương đương 0,3%, xuống 13.371,57 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 12/4. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,1%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 1,81%, Topix giảm 1,38%. Thị trường Trung Quốc phục hồi sau phiên giảm mạnh trước đó với Shanghai Composite tăng 1,46%, Shenzhen Component tăng 2,05%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,52%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,98%. ASX 200 của Australia giảm 0,42%.
Chốt phiên 12/4, giá dầu Brent, WTI đều tăng. Giá dầu Brent tương lai tăng 6,16 USD, tương đương 6,3%, lên 104,64 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 6,31 USD, tương đương 6,7%, lên 100,6 USD/thùng.