Muôn kiểu tránh thất nghiệp của tân cử nhân
Học tiếp để tránh thất nghiệp
![]() |
Nhiều người chọn cho mình con đường học thạc sĩ để tránh thất nghiệp. Ảnh minh họa
Cầm tấm bằng đại học trong tay nhưng không phải tân cử nhân nào cũng may mắn tìm được việc làm. Có những người gửi cả vài chục bộ hồ sơ xin việc nhưng không nhận được phản hồi. Hoặc có những bạn được nhà tuyển dụng 'để mắt' đến nhưng không thể vượt qua các vòng thi tuyển. Việc các bạn sinh viên mới ra trường thất nghiệp 1 tháng, 2 tháng, thậm chí một vài năm là chuyện không hề hiếm gặp, đặc biệt trong môi trường việc làm khắc nghiệt như hiện nay.
Thất bại trước cuộc tìm việc làm quá gian truân, nhiều bạn chọn cho mình cách học tiếp để tránh thất nghiệp.
Lan vừa tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh của một trường Đại học với tấm bằng khá, thế nhưng sau gần một năm 'vác' hồ sơ đi xin hết công ty này đến doanh nghiệp khác, cô chỉ nhận được cái lắc đầu của nhà tuyển dụng. Nơi thì chê cô thiếu kinh nghiệm, nơi thì nói bằng cấp của cô không phù hợp...
Chán nản, mệt mỏi khi không tìm được việc, cộng với áp lực khi họ hàng và bạn bè mỗi lần gặp lại thắc mắc "Vẫn chưa xin được việc à? Học khá thế cơ mà !", Lan quyết định lựa chọn con đường học thạc sĩ.
Lan chia sẻ: "Với tấm bằng thạc sĩ, mình nghĩ cơ hội được tuyển dụng vào các công ty lớn sẽ cao hơn. Hơn nữa, đi học cũng giúp mình giảm bớt căng thẳng và áp lực khi thấy bạn bè đã có công việc ổn định còn mình thì vẫn 'lông bông'."
Nếu Lan chọn cho mình cách học thạc sĩ thì Minh lại quyết định học văn bằng 2 chuyên ngành kinh tế của một trường đại học danh tiếng. Với tấm bằng sư phạm Tiếng Nga, Minh cho biết cô đã rất vất vả nhưng không xin được việc vì giờ đây tiếng Nga ít phổ biến, cô cũng không thuộc dạng 'con ông cháu cha' để có thể xin vào một cơ quan nào đó. "Hy vọng, với tấm bằng kinh tế và khả năng ngoại ngữ, sau khi học xong mình có thể kiếm được công việc nào đó." Minh nói.
Làm gia sư, bồi bàn
![]() |
Không tìm được việc, nhiều tân cử nhân làm bồi bàn để trang trải cuộc sống. Ảnh minh họa
Không phải tân cử nhân nào cũng có điều kiện học tiếp sau khi ra trường. Để tiếp tục bám trụ lại thành phố, nhiều bạn đã chấp nhận làm những công việc tạm thời như gia sư, bồi bàn, phát tờ rơi...
Tuấn là một trường hợp như vậy. Tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng gần một năm nay nhưng không xin được việc nên Tuấn đã xin vào làm bồi bàn cho một nhà hàng. Tuấn cho biết: "Hoàn cảnh gia đình mình khá khó khăn. Bố mẹ phải rất vất vả để nuôi mình 4 năm học đại học. Giờ tốt nghiệp rồi không thể tiếp tục 'ăn bám' bố mẹ nữa. Mình đi làm bồi bàn vừa có thu nhập để trang trải cuộc sống vừa có cơ hội để nâng cao khả năng giao tiếp. Bên cạnh đó, mình vẫn nộp hồ sơ xin việc vào các ngân hàng và công ty phù hợp với bằng cấp của mình."
Bên cạnh những bạn chọn một công việc làm thêm trong quá trình tìm việc, thì cũng có không ít tân cử nhân quyết định về quê phụ giúp gia đình hoặc làm công việc chân tay nào đó.
Sau khi ra trường 2 năm mà công việc không đâu vào đâu, Mai quyết định về quê và phụ bán hàng cho người chị họ. Trong khi đó, Cường lại chấp nhận làm công nhân cho một nhà máy.
Tân cử nhân nên làm gì khi chưa xin được việc làm?
![]() |
"Có được tấm bằng đại học sẽ dễ dàng xin được một công việc tốt" là suy nghĩ rất phổ biến của các bạn sinh viên khi mới bước chân vào trường Đại học. Chính vì vậy, sau khi ra trường và gặp những khó khăn ban đầu trong quá trình tìm việc khiến nhiều bạn có cảm giác hụt hẫng.
Theo các chuyên gia về nghề nghiệp, khi ở trong trường hợp này điều bạn cần làm đầu tiên là bình tĩnh. Hãy dành thời gian để hoàn thiện bản CV của mình, học thêm những kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai ( như ngoại ngữ, tin học, giao tiếp...). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm một công việc làm thêm hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện. Điều này sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ. Bạn cũng đừng quên cập nhật những thông tin của lĩnh vực và công ty mà bạn đang theo đuổi.
Ngoài ra, bạn nên tìm đến các sàn giao dịch việc làm, các website tuyển dụng, nhờ người thân, bạn bè giới thiệu. Tham khảo kinh nghiệm của những người đã tìm việc thành công cũng là một cách hay giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng thất nghiệp.
Linh Lam