Câu hỏi: Với số vốn 200 triệu đồng, tôi nên làm thế nào để có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ?
Dưới đây là phần tư vấn của Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập và CEO JobHopin - startup tuyển dụng ứng dụng AI và công nghệ máy học và Chelsea Nguyễn - Giám đốc đầu tư ThinkZone Ventures.
Chọn thị trường đủ lớn và tìm co-founder giỏi
![]() |
Nếu sở hữu 200 triệu đồng và muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ, tôi sẽ làm như sau: Đầu tiên, đầu tư một triệu đồng cho kiến thức bằng việc mua sách. Trong đó có 3 quyển: Sức mạnh của sự túng quẫn (The Power of Broke) bởi “Shark” Daymond John; Không đến Một (Zero to One) của Peter Thiel, Co-founder Paypal và Khởi nghiệp tinh gọn (The Lean Startup) của Eric Ries.
Tiếp đến, chọn ý tưởng nào mà bạn có thể tự thân vận động hoặc không cần nhiều vốn và bắt đầu khảo sát tình hình thị trường. Tôi xin gợi ý một số ý tưởng sau, ví dụ: Thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, tuyển dụng, marketing... Trích ra 5-7 triệu đồng xây dựng website để giới thiệu dịch vụ sản phẩm của mình đến khách hàng. Nên chọn tên miền dễ nhớ, nền tảng dễ sử dụng và phát triển giao diện mà không tốn nhiều chi phí phát sinh.
Tiếp theo là câu chuyện nhân sự, ở giai đoạn bắt đầu hãy tìm một co-founder thật giỏi. Họ có thể không có quá nhiều kinh nghiệm nhưng phải có đầu óc xuất chúng và chịu khó. Người này và bạn phải cùng tầm nhìn, sứ mệnh và tin tưởng rằng sản phẩm dịch vụ các bạn mang đến có giá trị đặc biệt trên thị trường. Đừng tìm người có chuyên môn hoặc kỹ năng tương tự mình, chỉ cần họ sẵn sàng góp vốn và dồn 110% sức lực tập trung cùng mình mạo hiểm là đủ.
Với số tiền còn lại, bạn có thể tìm ít nhất 10 khách hàng đầu tiên và tập trung giải quyết vấn đề của họ cho thật tốt. Chỉ có cách làm thật trọn vẹn mọi thứ, bạn mới chiếm được lòng tin và dĩ nhiên là 10 chứng thực khách hàng (testimonials). May mắn hơn bạn còn được giới thiệu khách hàng mới từ chính những lần hợp tác trên.
Dù startup ban đầu có thành công hay thất bại, nhờ kinh nghiệm rút ra được từ chúng mà bạn có thể dự đoán khả năng gọi được vốn từ những quỹ đầu tư cho vòng Pre-seed/Seed (Thuật ngữ gọi vốn: Vòng Tiền hạt giống - Hạt giống) sẽ thành công hay không. Kim chỉ nam của tôi là: “Revenue solves everything!” (Tạm dịch: Doanh thu giải quyết mọi thứ).
Chọn được thị trường đủ lớn để phát triển tốt, đi cùng co-founder giỏi và tâm huyết giống mình thì khả năng sống sót của startup đã lớn hơn dù chỉ mới bắt đầu.
Để bắt đầu hãy đặt 200 triệu đồng sang một bên
![]() |
Để khởi nghiệp thành công, điều quan trọng không phải là bạn bắt đầu với bao nhiêu tiền, mà đó là ý tưởng của bạn là gì và đội ngũ làm việc cùng với bạn là ai. Bạn cần phải bắt đầu với câu hỏi vấn đề gì của xã hội bạn đang muốn giải quyết và bạn sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào. Để có được một doanh nghiệp bền vững thì đầu tiên doanh nghiệp đó cần phải đem lại giá trị cho xã hội, giải quyết được bài toán của người dùng. Công nghệ ở đây sẽ là công cụ để bạn giải quyết bài toán đó, không phải mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần hướng tới người dùng và thị trường để định hướng sản phẩm của mình đi đúng hướng.
Đội ngũ cũng là một phần quan trọng của công ty, đặc biệt là công ty khởi nghiệp. Khởi nghiệp là một chặng đường dài và gian nan, đội ngũ cần có động lực lớn và quyết tâm để đồng hành cùng nhau trong thời gian dài với mức lương thấp, thậm chí là không có lương trong giai đoạn đầu phát triển công ty. Đội ngũ đủ tốt cũng cần phải là một đội ngũ có năng lực trong các lĩnh vực khác nhau, bổ trợ cho nhau, đảm bảo được việc phát triển về công nghệ, kinh doanh, vận hành, tổ chức. Đội ngũ sáng lập cũng cần có khả năng huy động vốn từ các quỹ đầu tư để đảm bảo dòng tiền cho việc phát triển doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
Để bắt đầu, hãy đặt 200 triệu sang một bên, tập trung nghiên cứu khách hàng, nghiên cứu thị trường, tìm ý tưởng và giải pháp bạn muốn xây dựng. Sau khi khảo sát và chắc chắn với ý tưởng của mình, hãy đi tìm kiếm những người đồng sáng lập để cùng xây dựng công ty với mình. Sau đó hãy dùng 200 triệu này để xây dựng những bước đi đầu tiên, xây dựng đội ngũ và sản phẩm. Khi đã có sản phẩm ra mắt, bạn hãy tự tin đi liên hệ, trao đổi với các quỹ đầu tư để có nguồn vốn đòn bẩy giúp công ty của bạn tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững hơn.
Độc giả muốn tư vấn về khởi nghiệp có thể đặt câu hỏi ở phần "Bình luận" hoặc gửi về email: info@ndh.vn |