Thứ bảy, 3/6/2023 | 00:32 GMT+7Dữ liệu doanh nghiệp

Contact

Điện thoại:
(+84) 243 9412852

Email:
info@ndh.vn

Ghi rõ nguồn “Người Đồng Hành” khi phát hành lại thông tin từ Chuyên trang Người Đồng Hành.

Nhìn lại nửa đầu năm 2022 StartupQ&A Elon Musk mua Twitter Bí mật đồng tiền Ngày ấy - Bây giờ
Thứ năm, 31/3/2022, 16:28 (GMT+7)

Lo lắng cho tài sản của mình, giới nhà giàu Trung Quốc chuyển tiền sang Singapore

Đỗ Hiền (Theo CNBC) Thứ năm, 31/3/2022, 16:28 (GMT+7)

Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc tỏ ra lo ngại về việc cất giữ tài sản của mình ở đại lục. Chính vì thế, họ đang tìm cách chuyển tiền sang Singapore và coi đó là một nơi “trú ẩn an toàn".

Kể từ khi các cuộc biểu tình làm gián đoạn nền kinh tế Hong Kong năm 2019, những người Trung Quốc giàu có đã tìm kiếm nơi thay thế để cất giữ tài sản. Singapore đã trở thành một nơi hấp dẫn khi có cộng đồng lớn nói tiếng Quan Thoại và không giống như nhiều quốc gia, "đảo quốc sư tử" không đánh thuế tài sản.

Xu hướng này bắt đầu vào năm ngoái, sau khi Bắc Kinh bất ngờ mạnh tay quản lý ngành công nghiệp giáo dục và nhấn mạnh tới “sự thịnh vượng chung” - sự đủ đầy cho tất cả mọi người thay vì chỉ một số ít.

Điều này được tiết lộ trong các cuộc phỏng vấn gần đây của CNBC với các công ty đang giúp những người Trung Quốc giàu có chuyển tài sản của họ tới Singapore thông qua cấu trúc văn phòng gia đình.

Văn phòng gia đình là một công ty tư nhân đảm nhận việc đầu tư và quản lý tài sản cho một gia đình giàu có. Ở Singapore, để thành lập một văn phòng gia đình thường yêu cầu khối tài sản ít nhất 5 triệu USD.

Theo người sáng lập Iris Xu của công ty dịch vụ kế toán và doanh nghiệp Jenga, trong 12 tháng qua, yêu cầu thành lập các văn phòng gia đình tại Singapore mà công ty này nhận được đã tăng gấp đôi. Phần lớn các yêu cầu đến từ những người ở Trung Quốc hoặc những người di cư từ quốc gia này.

Khoảng 50 khách hàng của Jenga đã mở văn phòng gia đình ở Singapore. Mỗi người có tài sản ít nhất 10 triệu USD, bà Xu cho biết.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra hàng trăm tỷ phú chỉ trong vài thập kỷ. Dữ liệu cho thấy, số lượng tỷ phú USD ở Trung Quốc hiện là 626 người, chỉ đứng sau nước Mỹ với 724 tỷ phú.

Theo bà Xu, khách hàng của bà cho biết “có rất nhiều cơ hội kiếm tiền tại Trung Quốc, nhưng họ không chắc liệu đây có phải nơi an toàn để cất giữ tài sản của mình hay không".

capture-jpg82-2216-1648718854.jpg

Singapore trở thành địa điểm hấp dẫn để cất giữ tài sản của giới nhà giàu Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Nỗi lo lắng về “sự thịnh vượng chung”

Theo Giám đốc Ryan Lin của Bayfront Law (có trụ sở ở Singapore), các yêu cầu thành lập văn phòng gia đình từ khách hàng Trung Quốc đang ngày một tăng lên.

Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc đại lục, bao gồm việc giới hạn khoản tiền ngoại hối 50.000 USD/năm, đã hạn chế khả năng chuyển tiền ra khỏi đất nước của các đại gia nước này.

Mặc dù những biện pháp kiểm soát vốn trên đồng nghĩa với việc rất nhiều người giàu Trung Quốc chỉ có thể mở các văn phòng gia đình với lượng vốn nhỏ hơn, song theo ông Lin, hầu hết trong số này đều có các hoạt động kinh doanh sinh lời bên ngoài Trung Quốc.

Một số đại gia đã chuyển tài sản đến Hong Kong, trước khi chuyển chúng đến Singapore.

“Xu hướng này đã bắt đầu kể từ khi những cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong vào năm 2019. Nó khiến nhiều người Trung Quốc suy nghĩ về sự an toàn cho khối tài sản của mình", ông Lin nói. Xu hướng đã tăng lên vào năm 2021 sau khi Bắc Kinh mạnh tay quản lý chặt chẽ ngành giáo dục cũng như sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự thịnh vượng chung.

Cụ thể, trong một bài phát biểu năm ngoái, ông Tập đã kêu gọi hạn chế thu nhập “quá mức” khi Trung Quốc tìm cách thực hiện tầm nhìn về sự thịnh vượng chung và giảm bất bình đẳng giàu nghèo.

Những nhận xét đó được đưa ra sau nhiều tháng Bắc Kinh tăng cường giám sát các công ty giáo dục, các tập đoàn công nghệ lớn cũng như các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc – những lĩnh vực đã tạo ra khối tài sản khổng lồ cho các nhà sáng lập và giám đốc điều hành chỉ trong hai thập kỷ.

Nhập cư thông qua việc mở văn phòng gia đình

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, một số công dân nhận thấy rằng chính phủ Trung Quốc có thể tạm dừng các dịch vụ cấp và gia hạn hộ chiếu với lý do kiểm soát dịch bệnh.

Theo bà Xu, các quy định này cùng những hạn chế liên quan đến việc đi lại quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự quan tâm của giới nhà giàu Trung Quốc trong việc thành lập văn phòng gia đình ở Singapore. "Đảo quốc sư tử" có chương trình nhà đầu tư toàn cầu, cho phép những người trưởng thành đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la Singapore (1,8 triệu USD) đăng ký thường trú.

Nở rộ mô hình văn phòng gia đình tại Singapore

Trên thế giới, nhiều tỷ phú đã và đang sử dụng mô hình văn phòng gia đình để quản lý tài sản. Một trong những lý do khiến Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn cho mô hình này là nó cho phép các nhà đầu tư dễ dàng rót vốn vào những nơi khác ở châu Á.

Theo các báo cáo của Bloomberg, kể từ cuối năm 2020, nhà sáng lập Bridgewater Ray Dalio và đồng sáng lập Google Serge Brin đã mở văn phòng gia đình tại Singapore nhằm tận dụng chính sách thuế cởi mở của quốc gia Đông Nam Á này.

Còn theo dữ liệu của Ban Phát triển Kinh tế Singapore, đã có khoảng 400 văn phòng gia đình được mở ở nước này trong năm 2020. Số liệu năm 2021 hiện vẫn chưa được cập nhật.

Số doanh nghiệp địa phương hợp tác với các văn phòng gia đình đã lên tới hàng trăm doanh nghiệp.

Sự bùng nổ đó cũng dẫn tới sự gia tăng nhu cầu trong mảng nhân lực dịch vụ. Bà Xu cho biết, chỉ trong năm 2021, lực lượng lao động của công ty Jenga đã tăng thêm 25%, và việc tìm kiếm nhân lực cho các vị trí điều hành văn phòng gia đình tại Singapore đang ngày càng trở nên khó khăn.

Xu hướng mở văn phòng gia đình liệu có kéo dài?

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang gây khó cho các doanh nhân Trung Quốc muốn mở văn phòng gia đình ở Singapore.

Trung Quốc cho biết nước này phản đối những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, từ chối gọi cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là xâm lược.

Trái ngược với nỗ lực giữ lập trường trung lập của Trung Quốc, Singapore đã gia nhập các nước Mỹ và phương Tây, áp các biện pháp trừng phạt lên Nga hồi đầu tháng 3 vừa qua, đóng băng các tài khoản ngân hàng của các cá nhân và thực thể Nga trong danh sách bị trừng phạt.

Theo bà Xu của Jenga, những thông tin về lệnh đóng băng tài sản đã khiến một số khách hàng Trung Quốc tạm hoãn kế hoạch mở văn phòng gia đình ở Singapore.

Nhưng theo bà Xu và ông Lin, số khách hàng Trung Quốc tìm cách mở văn phòng gia đình ở Singapore vẫn tăng với tốc độ tương tự năm 2021.

Tuy nhiên, ngay cả khi Singaore đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm thì điều này vẫn chưa đủ để chứng minh nó đang có lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành vị thế trung tâm tài chính quốc tế với Hong Kong.

Theo nhận định của bà Xu, các chuyên gia tài chính Hong Kong có rất nhiều kinh nghiệm cũng như bề dày thành tích trong việc quản lý tài sản và một số nhà quản lý tài sản Hong Kong có thể sẽ tìm đến Singapore để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

“Nếu Singapore không thể bắt kịp trong việc cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản chất lượng, các chuyên gia từ Hong Kong có thể sẽ vẫn trên cơ trong việc quản lý khối tài sản khổng lồ của Trung Quốc đại lục”, bà Xu nói. “Suy cho cùng thì các văn phòng gia đình không bị hạn chế về nơi họ đầu tư".

 

Đăng nhập bằng

Hoặc nhập

Thông báo

Thông báo

Hãy chọn 1 mục trước khi biểu quyết

Thông báo