Đây là lần đầu tiên Ả-rập Xê-út công khai đề xuất ý kiến lập ra một thỏa thuận mới trong việc cắt giảm sản lượng cắt giảm sau khi thỏa thuận cũ hết hạn vào cuối năm 2018.
Trả lời phỏng vấn trước thềm cuộc họp bộ trưởng năng lượng các nước trong việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm, Bộ trưởng dầu khí Ả-rập Xê-út, ông Khalid al-Falih cho biết việc tăng cường hợp tác giữa các nước như một minh chứng cho thấy quá trình thắt chặt thị trường vẫn đang diễn ra.
![]() |
Bộ trưởng dầu khí Ả-rập Xê-út ông Khalid al-Falih (Ảnh: CNBC)
"Chúng ta không nên giới hạn nỗ lực trong năm 2018. Chúng ta nên bàn về những khung chính sách hợp tác dài hạn. Tôi đang đề cập đến việc kéo dài khung thỏa thuận cắt giảm sản lượng qua năm 2018".
"Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với viêc chúng ta phải tuân thủ theo các giới hạn sản lượng hoặc mục tiêu sản lượng của từng quốc gia mà chúng ta đã ký kết trong năm 2016. Thay vào đó, các nước sẽ cố gắng đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với nhau",ông Khalid al-Falih nói.
.
Ông Khalid al-Falih cho biết nền kinh tế toàn cầu đang được củng cố trong khi việc cắt giảm nguồn cung - dẫn đầu là Ả-rập Xê-út - khiến trữ lượng dầu thô toàn thế giới giảm mạnh. Kết quả là thị trường dầu thô thế giới sẽ được tái cân bằng trong năm 2018.
Tuy nhiên, ông bổ sung thêm, các quốc gia khai thác dầu thô vẫn còn nhiều việc phải làm để khôi phục sức khỏe thị trường và rất khó có thể đạt được ngưỡng cân bằng cung-cầu vào giữa năm 2018.
Ông Khalid al-Falih và các bộ trưởng dầu khí đến từ các tiểu vương quốc Ả-rập cho biết thời gian gần đây, việc giá dầu Brent tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng 3 năm qua có thể khiến dầu đá phiến Mỹ tăng. Tuy nhiên, họ không cho rằng việc giá dầu tăng có thể gây tổn hại đến nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Bộ trưởng dầu khí Kuwait ông Bakheet al-Rashidi cho biết các cuộc thảo luận về tương lai thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể diễn ra vào tháng 6/2018 tại cuộc họp chính sách dầu thô giữa OPEC và 10 nước ngoài tổ chức dẫn đầu là Nga.
Bộ trưởng dầu khí Oman ông Mohammed bin Hamad al-Rumhi cho biết các quốc gia sẽ tổ chức cuộc họp vào tháng 11 về việc có nên gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay tham gia vào một thỏa thuận mới. Về phía Oman, quốc gia này ủng hộ việc hình thành một dạng thỏa thuận mới, tuy nhiên không đề cập cụ thể chi tiết dạng thỏa thuận mới này.
Đức Quỳnh/CNBC