Ấn Độ là quốc gia sản xuất than lớn thứ 2 trên thế giới nhưng đang đối mặt với tình trạng thiếu than trầm trọng. Coal India, tập đoàn sản xuất than lớn nhất thế với, chiếm trên 80% sản lượng của Ấn Độ, không thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường tăng cao.
Mới đây, Coal India thông báo sẽ ngừng đấu giá trực tuyến đối với các đối tác không thuộc ngành điện. Các hợp đồng dài hạn sẽ bị cắt giảm nhưng không đến mức dừng hoàn toàn. Tuy nhiên, India Coal không nói rõ mức độ cắt giảm như thế nào. Các doanh nghiệp không thuộc ngành điện bao gồm nhà sản xuất nhôm, xi măng và thép. Các nhóm sản xuất không thuộc ngành điện tiêu thụ khoảng 1/4 sản lượng than của Ấn Độ.
![]() |
Công nhân tại mỏ than ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters |
"Đây chỉ là ưu tiên mang tính tạm thời vì lợi ích của Ấn Độ để khắc phục tình trạng tồn kho than thấp tại các nhà máy điện", Coal India cho biết.
Trước động thái của Coal India, Hiệp hội Nhôm Ấn Độ (AAI) trong bức thư gửi chủ tịch Coal India cho biết một số hợp đồng than dài hạn đã bị dừng lại và quyết định của Coal India là không hợp lý.
AAI cho rằng ngành nhôm đang rơi vào bế tắc trước quyết định của Coal India. Nhập khẩu than hiện tại là bất khả thi vì giá toàn cầu đang rất cao.
Ấn Độ đang phải cạnh tranh với Trung Quốc về việc nhập khẩu than vì Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Hầu hết trong số 135 nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ đang chỉ có lượng dự trữ nhiệu liệu dưới 3 ngày. Mức này thấp hơn so với quy định của nhà chức trách, khuyến khích tích trữ lượng than đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong ít nhất 2 tuần.
Các nhà máy sản xuất điện tại Ấn Độ đang vật lộn với nhu cầu sử dụng điện tăng cao từ các ngành công nghiệp khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới nhất. Nhu cầu sử dụng điện tại các bang sản xuất công nghiệp lớn như Maharashtra, Gujarat và Tamil Nadu tăng từ 13,9% đến 21% trong 3 tháng vừa qua. Ba bang trên chiếm tới gần 1/3 tổng công suất sử dụng điện hàng năm của Ấn Độ.
Theo Statista, năm 2020, Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới với 3,75 tỷ tấn. Ấn Độ xếp thứ 2 với 845,7 triệu tấn. Mỹ đứng thứ 3 với 589,9 triệu tấn.