2018 được xem là một năm “điên rồ” của ngành dầu mỏ. Giá dầu Brent tăng từ mức 66,87 USD/thùng vào ngày đầu tiên của năm lên đỉnh 4 năm 85,29 USD/thùng vào đầu tháng 10, nhưng ngay sau đó lại rơi về sát mức giá đầu năm là 66,28 USD/thùng vào giữa tháng 11 và tiếp tục giảm cho tới trước Giáng sinh. Giá dầu Brent đến nay giảm hơn 21% trong năm 2018.
Ngoài hai yếu tố chính là tồn kho và công suất, vẫn còn những nhân vật khác có tác động lớn đến giá dầu trong năm 2018, và thậm chí là cả năm 2019.
Vladimir Putin
Không thể nghi ngờ về tầm ảnh hưởng của Tổng thống Vladimir Putin đối với hoạt động sản xuất cũng như chính sách dầu mỏ tại Nga. Từ việc đồng ý với Arab Saudi và OPEC để giảm sản lượng dầu cho tới việc thông qua dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, Putin rõ ràng là một trong những nhân tố mang tính quyết định đối với giá dầu năm 2018.
Ông Putin cũng từng phản bác lại các câu nói của ông Trump về giá dầu. “Tổng thống Trump nói rằng ông thấy giá dầu đang quá cao. Phần nào đó thì ông nói đúng. Nhưng rõ ràng, giá dầu lên cao như thế là kết quả mà chính quyền Mỹ tạo ra”, ông Putin nói vào tháng 10/2018.
![]() |
Nguồn: EPA
Donald Trump
Đây là “tay chơi” mới nhất trên thị trường dầu mỏ. Không thể phủ nhận rằng, ông Trump chính là người làm thay đổi hướng đi của ngành dầu mỏ Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Những dòng tweet vào tối muộn của ông từng khiến giá dầu lao dốc vào sáng hôm sau, khiến OPEC phải dè chừng. Mỗi dòng tweet của ông Trump liên quan tới dầu đều được giới dầu cơ theo dõi sát sao.
Một số người có lẽ phủ nhận rằng ông Trump không có quyền lực thực sự để thay đổi giá dầu. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách của ông về nhiên liệu sinh học, tăng cường số lượng giàn khoan dầu ngoài biển, tái trừng phạt Iran và miễn giảm trừng phạt cho một số quốc gia “khát” dầu, thực tế đã ảnh hưởng tới cả tâm lý thị trường và cân bằng cung – cầu dầu. Một trong những dòng tweet đáng chú ý của ông Trump trong tháng 12 là: “Hy vọng rằng OPEC sẽ giữ nguyên dòng chảy dầu như hiện nay, chứ đừng giảm sản xuất. Thế giới không muốn hay cần giá dầu lên cao hơn đâu”.
![]() |
Nguồn: Shutterstock.
Fatih Birol
Là người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Tiến sĩ Fatih Birol cũng chính là tác giả của loạt số liệu thống kê về ngành dầu trong nhiều năm qua. Không trực tiếp kiểm soát sản lượng, tồn kho, giá hay chính sách dầu mỏ của thế giới nhưng ông Birol lại thường xuyên đưa ra dự báo về nhu cầu hoặc sản lượng dầu.
Vào tháng 11, ông Birol đưa ra triển vọng không mấy khả quan về nhu cầu dầu năm 2019, kèm theo lời cảnh báo rằng giá dầu đang ở mức đủ cao để khiến nhu cầu giảm. “Thị trường dầu hiện nay rất dồi dào về nguồn cung nhưng chúng ta không thể quên rằng công suất nhàn rỗi tại Arab Saudi cũng đang còn rất ít. Vì vậy, thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng của OPEC+ sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường dầu và nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn”, người đứng đầu IEA nói.
![]() |
Nguồn: IEA.
Mohammed bin Salman
Là người đứng đầu một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Mohammed bin Salman là người có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu dù không bao giờ ra mặt chính thức. Việc ông theo đuổi cuộc chiến ở Yemen, ủng hộ ý tưởng cô lập Qatar, nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế Arab Saudi để bớt phụ thuộc vào dầu cũng như triển khai cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn đã giúp ông củng cố được quyền lực và thiết lập được quan hệ thương mại với Canada.
Động thái gây ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường dầu trong năm 2018 của ông bin Salman là kêu các bên gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu, từ đó kích thích giá mặt hàng này tăng trở lại. Đây có lẽ là cách duy nhất để ông tiếp tục thực hiện kế hoạch hiện đại hóa Arab Saudi.
“Chúng tôi đang bàn luận về việc chuyển từ thỏa thuận giảm sản lượng từng năm một thành thỏa thuận kéo dài 10 – 20 năm”, vị thái tử của Arab Saudi nói vào tháng 3/2018.
![]() |
Nguồn: Reuters.
Khalid A. Al-Falih
Nếu Thái tử Mohammed bin Salman là thế lực ngầm đứng sau thế giới dầu mỏ của Arab Saudi thì ông Al-Falih chính là người thường xuyên xuất hiện trước công chúng và thực hiện yêu cầu của thái tử. Nhờ mức độ xuất hiện trước công chúng nhiều, ông Al-Falih dần dần có tiếng nói trong ngành dầu mỏ và mỗi câu bình luận của ông có thể tác động đến giá dầu.
Là bộ trưởng năng lượng của Arab Saudi, ông Al-Falih luôn được coi là một trong 5 người có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường dầu. Mỗi lời bình luận của ông trước báo chí đều được giới giao dịch dầu trên toàn thế giới trích dẫn hay tweet lại.
![]() |
Nguồn: Reuters.
Nicolas Maduro
Venezuela là nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nên số phận của ngành dầu mỏ nước này có tác động rất lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới. Vì những sai lầm trong cách điều hành và chủ trương đầu tư của Tổng thống Nicolas Maduro và khủng hoảng nợ nần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PDVSA, sản lượng dầu của Venezuela giảm nhanh trong năm 2018, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Cùng với lệnh trừng phạt Iran được hồi sinh, điều này buộc OPEC phải ngừng kế hoạch giảm sản lượng vào giữa năm 2018.
![]() |
Nguồn: Reuters.
Elon Musk
Năm 2018, không thể không nhắc tới Elon Musk trong danh sách những người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành công nghiệp dầu mỏ. Musk cùng với dòng xe điện của ông khiến giới sản xuất ôtô đua nhau phát triển mẫu xe điện riêng để cạnh tranh. Tốc độ ra mắt các dòng xe điện thậm chí ngày càng nhanh và điều này dấy lên lo ngại ngành công nghiệp dầu mỏ sắp thất thế vì xe điện được xem là xu hướng tiêu dùng mới của thế giới.
![]() |
Nguồn: Reuters.
Tập Cận Bình
Trung Quốc là trung tâm tiêu thụ dầu của thế giới. Tuy nhiên, vào giữa tháng 6/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định không đánh thêm thuế lên các thiết bị năng lượng mặt trời, đồng thời giảm trợ cấp giá bán điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Động thái này khiến nhu cầu năng lượng mặt trời giảm, và kích thích nhu cầu tiêu thụ dầu và khí tự nhiên.
![]() |
Nguồn: South China Morning Post.
Justin Trudeau
Thủ tướng Justin Trudeau gần như tạo ra một thảm họa đối với ngành dầu khí Canada khi không ủng hộ việc mở rộng hệ thống đường ống dẫn dầu.
![]() |
Nguồn: AFP/ Getty Images.
Alexander Novak
Bộ trưởng Năng lượng của Nga, ông Alexander Novak, là một trong những người có tiếng nói nhất trong ngành dầu khí nước này. Ông là người trực tiếp thiết lập và thắt chặt mối quan hệ giữa Nga và Arab Saudi, hai trong số ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Bằng việc liên kết với OPEC, ông Novak đã tạo ra một liên minh có thể xoay chuyển giá dầu bằng cách tác động đến nguồn cung. Không có Nga, sức mạnh của OPEC trên sẽ giá dầu sẽ rất hạn chế, thậm chí là không hiệu quả.
![]() |
Nguồn: AP.
Phan Vũ/Tổng hợp