Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 250% kể từ đầu năm đến nay khiến chính phủ Anh mới đây triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các công ty năng lượng và các tổ chức tiêu dùng. Mức tăng phi mã của mặt hàng năng lượng này khiến các hộ gia đình phải gánh những hóa đơn khổng lồ và một số doanh nghiệp cung cấp năng lượng quy mô nhỏ phải ngừng hoạt động ở Anh.
Câu chuyện của nước Anh không phải cá biệt. Ở toàn châu Âu, giá khí đốt, điện lên cao kỷ lục. Giá than đạt đỉnh ở Trung Quốc, trong khi giá dầu vượt mức trung bình trong nhiều năm đều bắt nguồn từ việc thiếu nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, kinh tế suy thoái, Covid-19, giá năng lượng sụt giảm đã khiến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong giai đoạn 2019-2020 đi xuống. Tuy nhiên, sau đó nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi do lãi suất thấp, các chính phủ mạnh tay chi vào các lĩnh vực cần nhiều năng lượng hơn dịch vụ khiến tiêu thụ năng lượng tăng cao. Khi cầu vượt cung, thế giới thiếu năng lượng, thể hiện ở mức tồn kho thấp. Hệ quả là giá khí đốt, dầu, than tăng ở tất cả thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới.
Thời tiết bất thường góp phần vào sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Mùa đông lạnh giá ở Bắc bán cầu vào năm 2020 và năm nay; bão ở Texas (Mỹ) hồi tháng 2 ảnh hưởng đến nguồn cung dầu ở vịnh Mexico. Dự trữ xăng dầu của Mỹ thấp hơn 5% so với mức trung bình trước đại dịch.
Trong những tháng gần đây, lượng than tồn kho tại các nhà máy điện rất thấp khiến giá than cao hơn 2 lần so với trước đó 1 năm. Ở thị trường khí đốt, tồn kho trung bình thấp hơn 5% tại Mỹ và 15% tại châu Âu.