Cá từng được biết đến là một trong những nguồn protein rẻ nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại giá cá đã thay đổi, đắt hơn thịt gà và thịt heo.
Giá bán buôn trung bình của 4 loại cá nước ngọt do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc giám sát tăng gần 40% so với năm trước. Giá một số loại cá phổ biến như trắm cỏ còn tăng cao hơn nhiều. Cuối tháng 8, giá trắm cỏ ở mức 21,1 nhân dân tệ/kg (3,3 USD/kg), tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá thịt heo giảm xuống còn 20,8 nhân dân tệ/kg (3,2 USD/kg).
Nguyên nhân khiến giá cá tăng là ngành phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, mưa ở một số khu vực giảm ảnh hưởng đến sản lượng cá trang trại tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu cá tăng vì dịch tả heo châu Phi bùng phát khiến giá thịt heo đi lên và người tiêu dùng tìm các nguồn protein thay thế, trong đó có cá.
![]() |
Khu bán cá trong một chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
"Giá thịt heo gần đây đã giảm. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, thực phẩm này rất đắt đỏ và người tiêu dùng phải đa dạng bữa ăn và tiêu thụ nhiều cá hơn", ông Darin Friedrichs, nhà phân tích tại StoneX, nhận định.
Một nguyên nhân khác khiến giá cá tăng là tác động của Covid-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau khi phát hiện virus Covid-19 trên một số lô hàng nhập khẩu, Trung Quốc đình chỉ mua thủy sản từ nhiều nguồn khiến cung trong nước hạn chế.
Động lực làm sạch môi trường đã khiến Trung Quốc hạn chế nuôi cá dọc theo các tuyến đường thủy chính trong những năm gần đây. Điều này cũng khiến số lượng trang trại cá giảm.
Cùng với những chính sách về môi trường, chi phí thức ăn cho cá là nguyên nhân khiến giá cá tăng. Nguyên liệu như hạt cải dầu, đậu tương và bột hạt bông đều lên giá. Cá chép bạc, trước đây rẻ hơn đậu phụ nhưng giờ đã gấp đôi.
Triển vọng tiêu thụ cá ở Trung Quốc rất lớn
Giá thịt heo cao kỷ lục vào năm 2019 và 2020 khuyến khích người chăn nuôi mở rộng đàn, góp phần tăng nguồn cung tại Trung Quốc. Thêm vào đó, nguồn thịt nhập khẩu cũng nhiều hơn khiến giá thịt heo tại Trung Quốc giảm mạnh.
Ông Barsali Bhattacharyya, chuyên gia đến từ Economist Intelligence Unit, cho rằng nỗi sợ về các bệnh lây truyền từ động vật tăng lên khiến người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục ưa chuộng cá hơn. Lượng thịt heo tiêu thụ tại Trung Quốc giảm 25% trong 2020 so với 2018 và thấp hơn nhiều so với 2014.
Triển vọng tiêu thụ cá là rất lớn. Dự tính, lượng cá tiêu thụ ở quốc gia đông dân nhất thế giới có thể lên tới 180 triệu tấn vào năm 2029, theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO).