Chiều 1/4, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) tổ chức buổi họp liên quan đến quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 về bầu HĐQT và ban kiểm soát. Chủ tọa là ông Đào Ngọc Thanh - người được bầu Chủ tịch HĐQT trước khi có quyết định của tòa Đống Đa.
Theo ông Thanh, sau khi ĐHĐCĐ bất thường, các cuộc họp của Vinaconex đều được diễn ra một cách công khai minh bạch và có sự tham gia của tất cả các thành viên HĐQT, bao gồm cả ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra bình thường. Tuy nhiên, 2 thành viên HĐQT nói trên lại đột ngột khởi kiện công ty và trong cuộc họp hôm nay lại không xuất hiện dù ông Thanh nói có mời đến.
![]() |
Buổi họp của Vinaconex chiều 3/3. Ảnh: Lê Hải
Ông Thanh chia sẻ việc đã đồng ý bầu ông làm Chủ tịch nhưng ngay sau đó lại gửi đơn đến tòa để yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ thì "quan điểm về đạo đức kinh doanh thế là không đúng".
Sau khi bầu HĐQT và ban lãnh đạo mới, Vinaconex đã có những thay đổi tích cực. Trong thời gian ngắn, vốn hóa công ty tăng 4.500 tỷ đồng, mang lại giá trị cho cổ đông. “Đó là điều phi thường”, ông Thanh chia sẻ.
“Mục tiêu của chúng tôi sẽ đưa Vinaconex vào top 3 doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam, hiện nay công ty đang ở vị trí thứ 4". Tuần qua, Vinaconex đã khởi công một khách sạn cho Nhật Bản tại Đà Nẵng giá trị hợp đồng hơn 1.000 tỷ đồng, ông Thanh nói và hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp đồng như thế.
Với dự án Cái Giá - Hải Phòng, sau thời gian bị đình hoãn, công ty đã khởi động lại và thuê công ty tư vấn triển khai dự án. Công ty cũng mở rộng lại dự án nhà máy thủy điện.
Tất cả những động thái trên nhằm mục tiêu đảm bảo giá trị của VCG tiếp tục được nâng cao, hướng đến năm 2019 với doanh thu tăng 50% và lợi nhuận tăng 30% so với 2018.
Tuy nhiên, theo ông Thanh trong khi hoạt động của Vinaconex đang trong guồng quay thì sự việc nói trên diễn ra một cách bất ngờ. “Sự bất ngờ theo đánh giá của tôi là hậu quả khôn lường”.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của ông Trung và ông Hà trong các buổi họp HĐQT, ông Thanh cho biết phiên đầu tiên 100% biểu quyết ông làm Chủ tịch và các nội dung khác của cuộc họp.
Phiên họp thứ 2 nhằm thông qua quy chế hoạt động của công ty, trong đó có quy chế tài chính. Trước đây, Vinaconex không có cơ chế chịu trách nhiệm và giá trị tối đa mà Chủ tịch HĐQT chỉ được ký tối đa 5 tỷ đồng. Theo ông Thanh, với cơ chế đó thì Vinaconex không thể phát triển. Ông đưa ra ví dụ công ty vừa đấu giá dự án lên tới 1.100 tỷ đồng, nếu giữ cơ chế cũ thì không bao giờ làm được.
Tại cuộc họp này, Star Invest và Cường Vũ không nhất trí, nhưng theo luật có 5 phiếu ủng hộ nên quy chế được thông qua.
Phiên họp thứ 3 liên quan đến khu công nghiệp tại Láng Hòa Lạc, lập công ty cơ điện và thành lập công ty quản lý các trường học, các nội dung được thông qua.
Liên quan đến dự án Splendora, hình thành trước khi có sự thay đổi cơ cấu cổ đông của Vinaconex, ông Thanh cho biết đã trả xong tiền cho nhà nước với 200ha đất thương mại. Cơ cấu sở hữu gồm Phú Long và Vinaconex nắm giữ 50% mỗi bên.
Ông Thanh chia sẻ dự án cần có bộ máy để thực hiện. Đầu tiên, Vinaconex đề cử ông Thân Thế Hà là Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) - nhưng ông Hà lại đại diện cho Phú Long. Người thứ hai là ông Nguyễn Quang Trung (Phó tổng giám đốc Phú Long). Sau đó, trực tiếp ông Thanh về làm Chủ tịch HĐQT của An Khánh JVC.
"Chúng tôi đã nhiều lần triệu tập họp HĐQT của An Khánh JVC nhưng bên còn lại không đến gây ra sự trì trệ và bế tắc", Chủ tịch An Khánh JVC chia sẻ. Ông Thanh nói không thể để tình trạng này xảy ra và quyết định phải quyết tâm triển khai.
Ông Thanh nói mọi việc thực hiện đều đúng pháp luật. Mục tiêu là để Vinaconex trở thành công ty đa ngành, không bán bất cứ tài sản nào.
Về biến động giá cổ phiếu, ông Thanh cho biết ban lãnh đạo không làm giá. Giá hiện tại gần với giá trúng thầu của An Quý Hưng dự trên tính toán giá trị tài sản của Vinaconex ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng.
Về thông tin lãnh đạo Vinaconex muốn mua cổ phiếu quỹ để đảm bảo rằng giá trị của cổ đông không bị ảnh hưởng, hiện vẫn chưa thực hiện được. Dự án Cái Giá được cấp phép xây dựng khu đô thị, được cấp số đỏ. Thời gian tới, dự án sẽ được công ty tư vấn của Pháp góp ý hỗ trợ xây dựng quy hoạch.
Ngày 27/3, TAND quận Đống Đa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 tại Vinaconex. Ngay sau đó, Vinaconex có 2 văn bản khiếu nại với cùng nội dung được gửi vào ngày 28/3 và 29/3 tới Viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân quận Đống Đa và Viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân TP Hà Nội. Theo đơn khiếu nại, 2 tổ chức và 2 cá nhân gửi đơn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (sở hữu 21,28% vốn), Công ty THH Đầu tư Star Invest (7,57% vốn), 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Hữu Hà. Vinaconex khiếu nại việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ngay (ngày 27/3) yêu cầu tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, gồm việc tạm dừng kết quả bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát, làm đình trệ ngay lập tức toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Vinaconex cũng khiếu nại cả 2 cá nhân và 2 tổ chức không đủ cơ sở pháp lý về tư cách chủ thể để đưa ra yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 11/1. Cụ thể, tại ngày đăng kí cùng để chốt danh sách cổ đông tổ chức đại hội (26/12/2018), Bất động sản Cường Vũ chưa là cổ đông của Vinaconex. Đồng thời, tính tới ngày 25/3/2019, cả Bất động sản Cường Vũ và Star Invest chưa nắm giữ cổ phần VCG trong thời hạn liên tục 6 tháng (Bất động sản Cường Vũ và Star Invest trở thành cổ đông lần lượt vào ngày 27/12/2018 và 24/12/2018). Về ông Thân Thế Hà và ông Nguyễn Quang Trung, đứng ra khiếu nại dựa trên đơn ủy quyền của cổ đông cũ Viettel, nhưng Viettel chỉ ủy quyền cho 2 thành viên HĐQT Vinaconex nói trên tham dự, biểu quyết, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông tại ĐHĐCĐ chứ không ủy quyền cho việc gửi đơn yêu cầu hủy bỏ kết quả ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1. Mặt khác, ngày 26/3, ông Hà và ông Trung có 2 đơn gửi tòa án nhân dân quận Đống Đa gồm đơn xin rút yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ và đơn xin rút yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấm tạm thời. Đơn của 2 thành viên HĐQT được nộp chỉ 1 ngày sau khi nộp đơn yêu cầu tới TAND quận Đống Đa. |
ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019 diễn ra sau khi Vinaconex có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn. 2 cổ đông Nhà nước là SCIC và Viettel đã thoái toàn bộ gần 80% vốn qua đấu giá. 2 cổ đông trúng giá lần lượt là An Quý Hưng (57,71% vốn) và Bất động sản Cường Vũ (21,28% vốn). Cường Vũ được cho là liên quan đến bất động sản Phú Long. Sau đó, Đầu tư Star Invest - đơn vị thất bại trong đợt đấu giá Vinaconex, mua lại lượng cổ phiếu của Pyn Elite Fund để sở hữu 7,57% vốn VCG. |
Lê Hải