Lấy tiền bảo hiểm xã hội đi kinh doanh
Tại buổi giao lưu trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội gần đây chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%, FDI là 14%.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động. Bộ trưởng cho biết không ít doanh nghiệp đã thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng lại không đóng. Đến khi người lao động nghỉ, lẽ ra được hưởng chế độ thì phía bảo hiểm lại nói là doanh nghiệp chưa nộp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng nợ đọng là do mức phạt chậm nộp hiện chỉ tương đương 10% số tiền, trong khi lãi suất vay ngân hàng có lúc lên đến 15-20% một năm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chấp nhận nợ bảo hiểm để có vốn quay vòng. "Chúng tôi đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xử lý hành vi nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội theo hướng hình sự", bà Chuyền nói.
Năm 2012, ngành lao động yêu cầu các địa phương đôn đốc doanh nghiệp nên tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã giảm 13,7% so với 2011. Theo số liệu báo cáo lên Ban Kinh tế Trung ương, đến cuối năm 2012, số nợ bảo hiểm xã hội là 4.639 tỷ đồng (giảm 232 tỷ đồng so với năm 2011), trong đó có trên 100 tỷ đồng thuộc diện nợ khó đòi.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, người đứng đầu ngành lao động cũng cảnh báo về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động đi Angola. Theo bà Chuyền, hiện Việt Nam chưa có thỏa thuận lao động với quốc gia này.
Theo Ngọc Minh - VnExpress