Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), giá thép xây dựng trong nước đã tăng liên tục từ đầu năm 2018, do lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn phôi nội địa khi CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tiến hành bảo dưỡng lò cao số 2 trong vòng 2 tháng (từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5), và dừng bán phôi ra thị trường bên ngoài.
Trong khi giá các loại nguyên liệu chính là than mỡ và quặng sắt đều có xu hướng giảm từ cuối quý I đến nay. Giá quặng sắt và than mỡ thế giới bình quân trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm tương ứng 11% và 19% so với mức bình quân trong quý I. Giá thép HPG trong 2 tháng đầu quý II đã tăng 4% so với bình quân quý I. Diễn biến ngược chiều giữa giá nguyên liệu và giá bán đầu ra có thể giúp biên lợi nhuận quý II của HPG tăng so với quý I.
![]() |
Theo ước tính của BVSC, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát có thể tương đương quý I. Mặc dù tiến hành dừng để bảo dưỡng lò 2 gần 2 tháng, sản lượng tiêu thụ của công ty trong tháng 4 và tháng 5 vẫn rất khả quan, đạt bình quân khoảng 180.000 tấn/tháng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2017 và tăng 2% so với 2 tháng đầu năm 2018 do Tập đoàn đã tiến hành tích trữ phôi từ cuối năm 2017 để chuẩn bị cho việc dừng lò bảo dưỡng.
Hoạt động sản xuất đã trở về bình thường và công suất của lò 2 sau khi bảo dưỡng cũng tăng lên 600.000 tấn/năm từ mức 500.000 tấn/năm. Trong quý II, BVSC ước tính HPG có thể tiêu thụ được 540.000 tấn, tương đương với quý I.
Lợi nhuận quý II có thể tăng trưởng 50% so với cùng kỳ 2017. BVSC ước tính, trong quý II, HPG có thể đạt 2.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2017. Trong cả năm 2018, HPG có thể đạt 9.490 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 18% so với 2017.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận kép 37%/năm
Công suất tăng gấp 3,5 lần sau khi Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động. Tổng công suất sản xuất thép của HPG có thể đạt tối đa 7 triệu tấn/năm sau khi Dung Quất hoàn thành toàn bộ, tăng gấp 3,5 lần so với hiện nay. Triển vọng tiêu thụ của Dung Quất rất lạc quan.
Vị trí của Dung Quất sẽ giúp HPG chiếm được thị phần miền Nam khi chi phí vận chuyển giảm mạnh so với hiện nay. Giá thành sản xuất của Dung Quất sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp thép miền Nam. Với công nghệ lò cao tương tự như khu liên hợp Hải Dương, và quy mô sản xuất lớn hơn rất nhiều, vị trí cảng nước sâu giúp giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt và than coke… giá thành sản xuất thép của Dung Quất có thể tương đương với Khu liên hợp Hải Dương hiện tại – đồng nghĩa với việc thấp hơn khoảng 10% - 20% so với bình quân ngành thép.
Việc tự sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC) trong giai đoạn 2 của Khu liên hợp sẽ giúp HPG hoàn thiện được toàn bộ quy trình khép kín trong sản xuất thép. Khoảng 50% sản lượng HRC trong giai đoạn này đã được tiêu thụ nội bộ cho tôn mạ màu (400.000 tấn/năm) và ống thép (800.000 tấn/năm) do đó hiệu quả của dự án là rất hứa hẹn. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh với Formosa cũng hoàn toàn khả thi khi suất vốn đầu tư của HPG đang thấp hơn rất nhiều.
Trong tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 Dung Quất đã công bố (20.000 tỷ đồng) đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng cầu cảng tiếp nhận hàng cho cả 2 giai đoạn, do đó rất khó có thể tính được tổng mức đầu tư thực tế cho riêng 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng của giai đoạn 2. Tuy nhiên, ngay cả tính tổng vốn đầu tư của cả 2 giai đoạn (40.000 tỷ đồng) chia cho công suất của riêng giai đoạn 2 (2 triệu tấn HRC), sẽ tương đương suất vốn đầu tư 889 USD/tấn (đồng nghĩa với việc suất vốn đầu tư của giai đoạn 2 sẽ thấp hơn rất nhiều).
Trong khi suất vốn đầu tư giai đoạn 1 của Formosa đã là 1.408 USD/tấn thép (10 tỷ USD cho 7,1 triệu tấn thép HRC), gấp 1,6 lần so với mức tính toán ở trên.
Với triển vọng tiêu thụ lạc quan của Dung Quất, BVSC ước tính lợi nhuận của HPG có thể tăng trưởng kép 37%/năm trong vòng 2 năm tới. Lợi nhuận 2020 có thể đạt 17.951 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 2018 (ước tính này đã tính đến khả năng biên lợi nhuận của thép sẽ giảm xuống khi sản lượng tăng lên mạnh).
![]() |
Sau khi hoàn thành khu liên hợp Dung Quất, HPG sẽ nằm trong top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới (doanh nghiệp thép đứng thứ 50 thế giới hiện tại là Kobe steel với công suất 7,24 triệu tấn/năm).
Do đó BVSC sử dụng mẫu so sánh ngang để định giá HPG không phải là các doanh nghiệp thép Việt Nam hay trong khu vực ASEAN mà là toàn bộ các doanh nghiệp thép trên thế giới, với mức vốn hóa trên 3 tỷ USD (quy mô vốn hóa hiện tại của HPG là 3,24 tỷ USD).
Theo dữ liệu của Bloomberg, chỉ có 45 doanh nghiệp thép trên thế giới thỏa mãn tiêu chí này, với P/E bình quân là 14,43 lần và EV/EBITDA bình quân 7,6 lần.
Điều đáng lưu ý là ROA và ROE của HPG đều cao hơn nhiều so với bình quân nhóm (18% ROA và 30% ROE so với mức bình quân 6,4% và 15% của cả nhóm).
Lê Hải/BVSC