Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) công bố BCTC hợp nhất quý IV với doanh thu giảm 60% xuống 271 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp 74 tỷ đồng, giảm 66%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 24% về 19%.
Theo giải trình, dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề tạm ngưng hoạt động, đặc biệt là doanh thu bán sản phẩm linh kiện điện tử của nhà máy tại Trung Quốc và Hàn Quốc trực thuộc Công ty MassNoble tại Hong Kong giảm mạnh. Đồng thời, doanh thu tại 4 trạm thu phí BOT trên tuyến đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) giảm do giãn cách xã hội.
![]() |
Đơn vị: tỷ đồng |
Doanh thu tài chính tăng mạnh từ 62 tỷ lên 112 tỷ đồng nhờ phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con. Chi phí tài chính giảm 73% do giảm dư nợ gốc vay và không phát sinh khoản lỗ từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp. Tuy nhiên, các chi phí hoạt động tăng hơn 71 tỷ đồng từ phí vận chuyển, dịch vụ mua ngoài, tăng trích lập nợ phải thu khó đòi…
Theo đó, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 10,3 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ gần 372 tỷ cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, Đức Long Gia Lai chấm dứt chuỗi 3 quý liên tiếp có lãi.
Đức Long Gia Lai là tập đoàn đa ngành với 5 lĩnh vực chính gồm bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và nông nghiệp. Hoạt động kinh doanh suy giảm và lỗ liên tiếp hai năm 2019-2020 cùng khối nợ lớn.
Sang đến 2021, doanh thu thuần giảm 23% xuống 1.569 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 16 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 905 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Với kết quả này, công ty ngăn chuỗi lỗ kéo sang năm thứ ba liên tiếp và tránh được án huỷ niêm yết từ HoSE.
Tại thời điểm cuối quý IV, Đức Long Gia Lai lỗ lũy kế 851 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 2.993 tỷ đồng. Doanh nghiệp giảm hơn 630 tỷ đồng nợ vay dài hạn so với đầu năm xuống 1.956 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn cũng giảm hơn 156 tỷ đồng về còn 1.224 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của công ty có thể kể đến BIDV với dư nợ hơn 1.750 tỷ đồng.