Cổ phiếu PC1 của Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1, HoSE: PC1) tăng trần trong phiên giao dịch ngày 9/3 lên 45.250 đồng/cp tăng gần 20% bất chấp thị trường chung điều chỉnh.
![]() |
Nguồn: TradingView |
Thông tin hỗ trợ cho giá cổ phiếu PC1 có lẽ đến từ việc giá niken tăng mạnh thời gian qua do nguồn cung thắt chặt. Giá niken hiện ở mức 48.201 USD/tấn, gấp 2,5 lần kể từ đầu năm. Giá kim loại này bắt đầu tăng nóng từ sau xung đột Nga – Ukraine bắt đầu leo tháng từ ngày 24/2, nhảy vọt từ vùng 24.000 USD/tấn lên 48.201 USD/tấn.
Giá niken phiên ngày 8/3 có thời điểm vọt lên 100.000 USD/tấn, sau đó hạ xuống 80.000 USD/tấn trước khi bị dừng giao dịch. Đợt tăng, lớn nhất trên LME, diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư và các bên đã bán nickel vội mua lại các hợp đồng sau khi giá bắt đầu tăng vì lo ngại liên quan nguồn cung từ Nga.
Sàn giao dịch kim loại London cho biết sẽ tính toán vi phạm ký quỹ trên cơ sở giá đóng cửa phiên 7/3 ở quanh 48.000 USD/tấn, đồng thời cân nhắc điều chỉnh hoặc hủy các giao dịch được thực hiện từ sau khi đóng cửa phiên 7/3 đến trước khi lệnh đình chỉ được triển khai – giai đoạn giá nickel tăng đến 101.365 USD/tấn.
![]() |
Diễn biến giá niken qua các năm. |
Theo Bloomberg, từ trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine nguồn cung niken đã bị giảm và căng thẳng địa chính trị càng đẩy giá đi lên. Nga sản xuất khoảng 17% sản lượng niken thượng phẩm của thế giới.
Niken chủ yếu được sự dụng trong sản xuất thép không gỉ và các hợp kim khác, được ứng dụng để sản xuất ra tiền xu, trang sức, vật dụng y tế, thiết bị điện tử, sạc pin, nam châm vĩnh cửu.... Nhà sản xuất niken lớn trên thế giới ngoài Nga còn có Indonesia, Philippines, Australia, Canada, Brasil, Trung Quốc…
Trong khi đó, PCC1 thông qua công ty con - Công ty cổ phần khoáng sản Tấn Phát là chủ đầu tư dự án khai thác lộ thiên khoáng sản niken – đồng thuộc khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 1.502 tỷ đồng, đã được khởi công từ ngày 3/7/2021. Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào vận hành chạy thử trong quý IV năm nay và bán sản phẩm từ quý I/2023. Quy mô công suất thiết kế dự án là 600.000 tấn/năm, thời gian khai thác 8 năm.
Tấn Phát vốn là đơn vị liên kết nhưng từ quý II/2021 trở thành công ty con sau khi PCC1 tăng sở hữu từ 34% lên 57,27%.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết nhu cầu niken trên thế giới tăng do Trung Quốc mở rộng đầu tư công và xu hướng sử dụng xe điện tăng mạnh trên toàn cầu. Theo Roskill, dự kiến nhu cầu niken dành cho sản xuất pin sẽ tăng từ 4% năm 2019 lên 20% trong tổng nhu cầu 3,69 triệu tấn trong năm 2030. Hiện, trong nước hầu như ít sử dụng niken, sản phẩm quặng tinh niken sản xuất chủ yếu sẽ xuất khẩu, thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
VCBS cho biết Việt nam chỉ có một mỏ sản xuất niken duy nhất đã khai thác tại Bản Phúc, Sơn La từ năm 2013 với trữ lượng quặng nguyên khai gấp hơn 5 lần mỏ của Tấn Phát. Tuy nhiên dự án này đã dừng hoạt động năm 2016 do công nghệ xử lý kém và chỉ xử lý được loại quặng đặc sít mà chưa xử lý được quặng xâm tán. Đồng thời, hoạt động trong thời kỳ giá niken thấp dẫn đến thua lỗ nặng nề và phải đóng cửa năm 2016. Mỏ này phải khai thác bằng hầm lò khiến chi phí khai thác cao hơn và công suất kém hơn. Công ty sở hữu mỏ đã được mua lại 90% bởi Blackstone (Australia) từ nhà đầu tư Canada – AMR Nickel Limited năm 2019 và sẽ được đầu tư mở rộng công suất lên 4 – 6 triệu tấn quặng nguyên khai/năm từ 360.000 tấn/năm toàn bộ dùng để sản xuất pin NMC với hiệu quả cao.
Kỳ vọng lớn vào 3 dự án điện gió mới đóng điện cuối năm 2021 và mảng bất động sản
Trở lại với PCC1, đơn vị hoạt động trong 6 lĩnh vực chính gồm xây lắp điện, năng lượng, sản xuất công nghiệp, bất động sản, thương mại, tư vấn và dịch vụ. Năm 2021, PCC1 báo cáo doanh thu tăng mạnh 46% lên 9.813 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 691 tỷ đồng, tăng 35% so với 2020.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2021, mảng xây lắp và thiết bị điện đóng góp lớn nhất với 6.714 tỷ đồng, gấp 2,2 lần 2020 nhờ hoạt động tổng thầu EPC các công trình điện gió. Các dự án do đơn vị làm tổng thầu (IA Bang 1, Tân Phú Đông 2, Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên) đều kịp thời COD hưởng giá FIT trước 31/10/2021. Tổng công suất các nhà máy điện gió mà công ty thực hiện hoàn thiện dịch vụ COD là gần 600 MW, chiếm khoảng 20% tổng công suất đã được COD.
Doanh thu bán điện cũng tăng 24% đạt 928 tỷ đồng, bán hàng hóa tăng 23% lên 1.385 tỷ đồng. Tuy nhiên, mảng chuyển nhượng bất động sản giảm sâu từ 834 tỷ đồng về 72 tỷ đồng.
Song, xét về lợi nhuận gộp, mảng điện đóng góp nhiều nhất với 528 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt gần 57%. Mảng xây lắp và thiết bị điện có biên lợi nhuận khoảng 6,7%.
![]() |
Đơn vị: tỷ đồng |
Doanh nghiệp cho biết tháng 10/2021, chính thức vận hành thương mại cụm nhà máy điện gió tại Quảng Trị (Liên Lập, Phong Nguyên và Phong Huy với cùng công suất 48 MW), đủ điều kiện được bán điện giá FIT, được tài trợ từ khoản vay hợp vốn từ ADB, JICA, EFA với chi phí tài chính thấp.
Với mảng bất động sản, trong năm 2021, doanh nghiệp gần như không ghi nhận. PCC1 lý giải việc cấp chủ trương đầu tư và khởi công các dự án nhà ở năm trước bị chậm dẫn đến không đạt kế hoạch. Nguyên nhân chính do vướng mắc về chính sách của nhà nước liên quan đến Luật đầu tư, sự không đồng bộ giữa các luật liên quan đến đầu tư bất động sản chưa được tháo gỡ.
Năm nay, PCC1 xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh gồm doanh thu trên 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,2% và 4,7% so với thực hiện 2021. Đồng thời, để nâng cao năng lực quản trị, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, công ty sẽ đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn PC1, đầu tư cho chuyển đổi số đủ lớn, tốc độ và phù hợp.
Trong kế hoạch năm nay, mảng xây lắp và thiết bị điện dự kiến đạt sản lượng 6.300 tỷ đồng, doanh thu 6.000 tỷ đồng, hợp đồng ký mới 7.500 tỷ đồng. Mảng này không tăng trưởng so với năm trước nhưng được bù đắp bởi năng lượng và bất động sản.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu năng lượng 1.700 tỷ đồng, tăng 89%. Động lực đến từ tình hình thủy văn đầu năm 2022 thuận lợi trở lại và 3 nhà máy điện gió vận hành nguyên năm. Mặc dù chỉ vận hành 2 tháng cuối năm 2021 nhưng doanh thu mang lại từ 3 nhà máy điện gió là 217 tỷ đồng.
Theo SSI Research, 3 dự án điện gió này hoạt động hết công suất và nguyên năm 2022 sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh. Ngoài ra, giá khí đốt leo thang có thể hỗ trợ tỷ lệ sử dụng điện gió của PCC1.
Với bất động sản, PCC1 đặt kế hoạch các dự án bất động sản nhà ở sẽ khởi công và hoàn thành, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu đạt 15%.
![]() |
Nguồn: PCC1 |