Trong buổi chia sẻ với Người Đồng Hành gần đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình (HoSE:HBC), ông Lê Viết Hải từng nhấn mạnh về hướng mở rộng ra thị trường nước ngoài, đơn cử như một số dự án tại Kuwait năm 2018.
Đây không chỉ là lối đi riêng của Hòa Bình, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đẩy mạnh tìm cơ hội mới tại các nước trong khu vực và nước phát triển. Đơn cử như Coteccons (HoSE:CTD), đối thủ của Hòa Bình, đã bắt đầu thực hiện các dự án tại Lào và Campuchia từ năm 2012.
Hay trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng, CTCP Fecon (HoSE: FCN) bắt đầu tham gia 4-5 gói thầu tại Myanmar từ năm 2016 qua 2 đơn vị thành viên là Fecon Raibow Construction và Fecon Trung Chính Myanmar… Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Fecon, đơn vị này sẽ xem xét mở rộng sang các thị trường Indonesia, Bangladesh và Campuchia, Singapore. Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng tham gia các dự án ở nước ngoài từ lâu như Vinaconex, An Phong…
![]() |
Nhiều công ty xây dựng mở rộng ra nước ngoài. Ảnh minh họa.
Chuẩn bị trước điểm bão hòa của ngành xây dựng
Theo dự báo của BMI, tăng trưởng ngành xây dựng Việt Nam ở mức 7,23% trong 2019. Tăng trưởng chậm lại của ngành xây dựng là dấu hiệu bước qua khỏi quá trình tăng trưởng sau Đổi mới (1986) và bước vào giai đoạn tái cấu trúc, CTCK FPT nhận định trong báo cáo phân tích ngành.
Đối với mảng xây dựng hạ tầng, FPTS cho rằng tăng trưởng chậm lại do những thách thức từ cấu trúc kinh tế Việt Nam bao gồm: thâm hụt ngân sách, quá trình bội chi kéo dài khiến nợ công tăng cao, hạn chế khả năng đầu tư công của Chính phủ. Trong khi nguồn vốn ODA khó khăn hơn và kinh nghiệm triển khai các dự án hạ tầng hiện đại, quy mô lớn còn thiếu gây ra chậm tiến độ và đội vốn.
Chính phủ sẽ phải huy động nguồn vốn tư nhân để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, chủ yếu thông qua hình thức hợp tác công – tư (PPP); thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và sử dụng nguồn đất công. Tuy các phương pháp này mang lại thành công nhất định, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu tính minh bạch trong thực hiện, khiến hiệu quả bị hạn chế. CTCK đánh giá những vấn đề này sẽ khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Fecon.
Với mảng xây dựng dân dụng, dấu hiệu tăng trưởng chậm lại đến từ các động thái kiềm chế bong bóng bất động sản. Ngành kinh doanh bất động sản có chu kỳ tăng tốc từ 2013 tới nay, cùng một số dấu hiệu bất ổn trong thị trường gây ra lo ngại bong bóng bất động sản trở lại trong 2019. Điều này dẫn tới các hành động của cơ quan quản lý như thắt chặt tín dụng (tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200%, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại các ngân hàng), dừng chấp thuận đầu tư các dự án nhà ở mới tại khu trung tâm (quận 1 và 3) TP HCM từ cuối năm trước.
Xây dựng khu công nghiệp là mảng duy nhất được nhận định tích cực trong năm nay nhờ những tín hiệu từ xu hướng thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam và sự dịch chuyển của các doanh nghiệp sản xuất từ Trung Quốc, cùng lợi thế lao động rẻ.
Miếng bánh lớn tại thị trường nước ngoài
Động thái tìm hướng đi mới ở nước ngoài của các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp được nhận định là xu thế tất yếu trong bối cảnh thị trường trong nước đang bước vào thời kỳ giảm tốc. Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Cotecons từng nhận định 3 năm trước, khi thị trường xây dựng Việt Nam bão hòa thì các nhà thầu cũng cần tính đến bài toán vươn ra thế giới.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Lê Viết Hải nói thị trường xây dựng nội địa số liệu 2016 có giá trị 50 tỷ USD, trong khi quốc tế thống kê trên 69 nước là khoảng 10.000 tỷ USD.
![]() |
Ảnh: Fecon
Ông Hải cho biết tại các nước phát triển như Canada, Australia, số người nhập cư tăng mạnh nên nhu cầu nhà ở tăng rất nhanh, trong khi các chủ thầu nước sở tại ít có kinh nghiệm về xây cao tầng với khối lượng lớn. Doanh nghiệp có thể tận dụng yếu tố này, “tại nước ngoài, xây dựng 1m2 có giá 2.000 USD trở lên trong khi Việt Nam chỉ 400-500 USD là cao”.
Chủ tịch Hòa Bình cũng đề cập ban đầu khi đặt chân tới các nước, cần hồ sơ kinh nghiệm ở quốc gia sở tại, nên các dự án đầu tiên Hòa Bình cần phối hợp với các nhà thầu địa phương, trở thành nhà thầu tổng hợp trong thời gian khoảng 2 năm. Vị này cũng dự kiến trong 2 năm tới, các hoạt động từ thị trường nước ngoài sẽ đóng góp rõ vào kết quả kinh doanh của Hòa Bình.
Với góc nhìn về xây dựng hạ tầng đô thị, trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Văn Thanh, CEO Fecon nhận định các nước đang phát triển như Myanmar, Bangladesh... là những nơi có nhu cầu phát triển hạ tầng cơ bản lớn, phù hợp với các đơn vị thi công công trình như Fecon nói riêng và các doanh nghiệp có kinh nghiệm tại Việt Nam.
Theo ông Thanh, thâm nhập vào các thị trường lớn này sẽ mang lại nguồn việc và lợi nhuận tốt so với thị trường Việt Nam, hiện nay đang rất cạnh tranh. “Nhiều đối tác lớn trên thế giới của Fecon cũng muốn đi cùng đến các thị trường ngoại, đặc biệt là các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc tại các dự án do Chính phủ những nước này cấp vốn ODA”, vị CEO cho hay.
Mặc dù thị trường nước ngoài là miếng bánh lớn, đầy tiềm năng, nhưng việc “xuất khẩu” lĩnh vực xây dựng vẫn còn có một số khó khăn liên quan đến vấn đề chuyển tiền ra nước ngoài, đầu tư máy móc và đưa nhân công lao động. Chính vì vậy, hiện đóng góp từ mảng thị trường nước ngoài vẫn chưa đáng. CEO Fecon cho biết, công ty đặt mục tiêu trong vòng 3 năm tới thị trường nước ngoài sẽ góp khoảng 20% vào doanh thu và lợi nhuận cho Fecon.
Lê Hải