Đầu tư nuôi bò thịt, mở room ngoại 100%
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 chiều ngày 19/3, ông Trịnh Quốc Dũng, Thành viên HĐQT kiêm CEO Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico, UPCoM: VLC) cho biết sau khi bị ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi từ các năm trước thì công ty mẹ hiện không có hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình dịch bệnh còn nhiều rủi ro tiềm ẩn và khả năng tái đầu tư cho lợn, gà còn nhiều khó khăn. Do vậy, HĐQT trình chủ trương tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh với dự án chăn nuôi, làm thịt, chế biến và phân phối thị bò. Dự án có công suất khai thác 20.000 con/năm, tổng đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Vilico, tổng đàn trâu, bò trong nước gần như không tăng qua các năm, chủ yếu là thịt trâu, bò nhập khẩu. Quy mô thị trường thịt trâu/bò trong nước 500.000 tấn/năm thì nhập nhập khẩu 300.000 tấn/năm. Thịt bò cao cấp, chế biến sẵn nhập khẩu khoảng 60.000 tấn/năm, tăng nhanh qua các năm gần đây. Thị trường thịt bò mát hiện chưa phát triển do thói quen tiêu dùng và hạn chế nhập khẩu.
![]() |
Bà Mai Kiều Liên chia sẻ thông tin tại đại hội Vilico. Nguồn: Ảnh chụp màn hình |
Với phương án đầu tư này, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT chia sẻ lợi thế của Vilico là đất có sẵn trên Vĩnh Phúc, khí hậu phù hợp hoàn toàn có thể triển khai ngay. Về nguồn giống, Vinamilk, Mộc Châu Milk và đàn bò trong dân khoảng hơn 100.000 con. Cùng với đó, guồn bê rất lớn, doanh nghiệp đang bán với giá rẻ để không bị lỗ nên nếu triển khai dự án bò thịt thì sẽ tận dụng tốt nguồn đang có.
“Lĩnh vực bò thịt còn quá rộng, Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nên doanh nghiệp nội địa nào tham gia cũng đều quý”, bà Liên nói.
Mới đây, Vilico thông báo hợp tác với Tập đoàn Sojitz lập liên doanh đầu tư và kinh doanh lĩnh vực bò thịt, vốn góp của Vilico là 51% và Sojitz là 49%. Vốn đầu tư ban đầu 2 triệu USD và dự kiến tăng lên theo quy mô phát triển. Liên doanh này được thành lập để nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, hình ảnh, hệ thống bán hàng.
Vilico định hướng sản xuất thịt bò ở phân khúc trung, cao cấp, hoàn toàn cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 6 tháng, ban lãnh đạo kỳ vọng đến cuối năm 2023 có sản phẩm. Doanh thu khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn đầu.
Đồng thời, doanh nghiệp tiến hành điều chỉnh ngành, nghề kinh doanh để tiến tới mở room ngoại lên 100%.
Phát hành 156 triệu cổ phiếu nhận sáp nhập GTNfoods
HĐQT trình phương án nhận sáp nhập GTNfoods (HoSE: GTN) theo tỷ lệ 1,6:1, tức là 1 cổ đông sở hữu 1,6 cổ phiếu GTN vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi lấy 1 cổ phiếu VLC.
Theo phương án sáp nhập, Vilico sẽ phát hành tối đa 156,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN, sau khi hoàn tất các cổ đông của GTN sẽ trở thành cổ đông Vilico. Tuy nhiên, GTNfoods đang là công ty mẹ nắm 47 triệu cổ phiếu, tương đương 74,5% vốn Vilico. Do thực hiện sáp nhập, toàn bộ 47 triệu cổ phiếu sẽ bị hủy và giảm vốn điều lệ Vilico. Như vậy, vốn điều lệ Vilico sau sáp nhập dự kiến là 1.723 tỷ đồng, trong đó Vinamilk sở hữu 68% và các cổ đông khác nắm 32%.
Liên quan đến vấn đề lợi ích của cổ đông Vilico khi sáp nhập, bà Mai Kiều Liên khẳng định Vinamilk là cổ đông của GTNfoods, GTNfoods là cổ đông của Vilico như các cổ đông khác. Bởi vậy, tỷ lệ hoán đổi có lợi thì tất cả cùng có lợi, thiệt hại thì tất cả cùng thiệt hại. Tỷ lệ hoán đổi 1,6:1 đã được cân nhắc dựa trên tổ chức định giá, giao dịch bình quân 30 phiên gần nhất của cả 2 cổ phiếu và phương pháp chiết khấu dòng tiền, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Đồng thời, CEO Vinamilk cho rằng giá cổ phiếu VLC từ khi ban lãnh đạo Vinamilk vào tiếp quản tháng 2/2020 đến nay đã tăng rất mạnh, điều đó chứng tỏ cổ đông được hưởng lợi rất nhiều.
Mặt khác, Vilico là thương hiệu tốt và có từ lâu, gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam nên cần được duy trì để khôi phục, Mộc Châu Milk là cũng là thương hiệu uy tín trên thị trường, trong khi thương hiệu GTNfoods mới được xây dựng vài năm gần đây. Việc GTN sáp nhập vào Vilico sẽ tối ưu hóa nguồn lực cả 3 công ty cho chiến lược phát triển chung.
Ban lãnh đạo Vilico bày tỏ mong muốn đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), tuy nhiên để đủ điều kiện thì doanh nghiệp cần sửa đổi nhiều. Bà Liên khẳng định ban lãnh đạo đang cố gắng rút ngắn tiến trình để sớm đưa cổ phiếu lên HoSE.
Lãi 2020 tăng 78%, chia cổ tức 6%
Trong năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 2.826 tỷ đồng, tăng 9% và thực hiện 97% kế hoạch năm; lãi sau thuế 308 tỷ đồng, tăng 78% và vượt 93% kế hoạch năm.
Theo vị Chủ tịch HĐQT, kết quả kinh doanh doanh nghiệp năm 2020 tăng trưởng chủ yếu nhờ Công ty Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) tăng trưởng tốt. Công ty con này đóng góp đến 90% doanh thu tổng công ty. Ngoài ra, trong năm đơn vị cũng thoái vốn thành công tại một số công ty liên kết và khoản đầu tư không hiệu quả.
Cụ thể, Vilico đã thoái vốn tại Gà giống Châu Thành, Giống và vật tư chăn nuôi Bắc Trung Bộ, Giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao, An Đại Việt và Đầu tư TM & CN Đông Á.
Với kết quả đạt được, HĐQT trình chia cổ tức tỷ lệ 6%, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 600 đồng/cp.
Với năm 2021, lãnh đạo Vilico trình kế hoạch doanh thu thuần công ty mẹ 7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 113 tỷ đồng; tăng nhẹ so với năm trước. Cổ tức duy trì tỷ lệ 6%.
Về chỉ tiêu kinh doanh hợp nhất, ông Trần Chí Sơn, Thành viên HĐQT cho biết do phụ thuộc vào thời gian hoàn thiện quá trình sáp nhập nên HĐQT chưa có cơ sở để tính toán và trình kế hoạch kinh doanh sau sáp nhập lên cổ đông.