Trên thị trường chứng khoán hiện nay, doanh nghiệp ôtô gồm các đơn vị chuyên phân phối xe thương mại (xe tải, xe ben, xe đầu kéo...) như TMT, HHS, TCH, VEA và các đơn vị phân phối ôtô du lịch (xe cá nhân) HAX, SVC, CTF; trong đó chỉ riêng TMT, VEA có nhà máy chế tạo, lắp ráp.
Theo báo cáo VAMA, trong quý III, các đơn vị thành viên bán tổng cộng 73.394 xe, tăng 16% cùng kỳ. Trong đó, xe du lịch tăng 23%, xe thương mại tương đương cùng kỳ và xe chuyên dụng giảm 3%.
![]() |
Ford Ranger - dòng xe bán chạy trong quý III. |
BCTC quý III cho thấy các đơn vị phân phối ôtô du lịch đều ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận lại giảm sâu. Trong khi hầu hết doanh nghiệp phân phối xe thương mại suy giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu là do mảng kinh doanh khác hoặc hoạt động liên doanh, liên kết.
![]() |
Đvt: tỷ đồng/ VEA là lợi nhuận gộp |
Công ty dịch vụ ôtô Hàng Xanh (Haxaco, HoSE: HAX) báo quý III lãi giảm 54% về 14 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng giảm 32% về 44 tỷ đồng. Doanh thu công ty vẫn tăng trưởng nhưng giá vốn tăng mạnh hơn cùng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý tăng đã khiến lợi nhuận giảm.
Nguyên nhân được Haxaco lý giải trong 9 tháng các đại lý xe, hãng ôtô đang cạnh tranh khốc liệt về giá bán, chương trình khuyến mãi… để thu hút khách hàng. Haxaco tập trung tăng số lượng bán ra để tăng thị phần kinh doanh xe Mercedes-Benz nên không ngừng đẩy mạnh các chính sách ưu đãi về giá, sử dụng công nghệ mới trong bán hàng, marketing online…
Với Công ty City Auto (HoSE: CTF), chuyên phân phối dòng xe Ford, báo quý III lỗ hơn 8 tỷ đồng dù doanh thu gấp đôi lên 1.595 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 13 tỷ đồng.
Theo giải trình, doanh thu CTF tăng do hợp nhất doanh thu Huynhdai Trường Chinh cùng với việc tăng bán các loại xe nhập khẩu giá trị lớn. Tuy nhiên, giá vốn tăng tương ứng; chi phí thuê nhà, điện, nước, nhiên liệu, hành chính tăng đẩy chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh. Biên lãi gộp quý III giảm từ 6,1% về 4,9% trong khi nửa đầu năm duy trì trên 6,5%.
Savico (HoSE: SVC), đơn vị chuyên kinh doanh xe ôtô Volvo, Toyota, Ford, Cheverolet, Honda và xe máy Yamaha, cho biết thực tế thị trường ô tô quý III gặp nhiều khó khăn hơn cùng kỳ do nguồn cung tăng mạnh và cạnh tranh khốc liệt. Theo đó, mặc dù doanh thu thuần tăng trưởng nhờ toàn hệ thống gia tăng sản lượng, thị phần nhưng lợi nhuận đơn vị giảm 40% về 47 tỷ đồng.
Ôtô TMT (HoSE: TMT) ghi nhận doanh thu quý III đạt 260 tỷ đồng, tăng 68% cùng kỳ. Sau khi từ hết các chi phí, công ty bị lỗ 618 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty lỗ 7 tỷ đồng.
TMT chuyên sản xuất, lắp ráp các loại xe ben, xe tải như TMT motor, TMT tata, TMT sinotruk. Công ty lý giải lợi nhuận giảm do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, đồng thời chi phí bán hàng và quản ký gia tăng do đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, khuyến mãi.
Quý III, Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS) ghi nhận doanh thu 71,5 tỷ đồng, giảm 78% so cùng kỳ do doanh thu ôtô tải giảm sút mà sản phẩm bất động sản chưa đến thời kỳ bàn giao. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 24,3 tỷ đồng, giảm 67%, riêng lãi tiền gửi, tiền cho vay là 26,4 tỷ đồng.
HHS chuyên kinh doanh xe tải, xe ben, xe tải thùng hiệu Dongfeng. Tuy nhiên, các năm gần đây, công ty thu hẹp mảng thương mại và đẩy mạnh mảng bất động sản. Tính đến 30/9, công ty đem 1.835 tỷ đồng, chiếm 51% tổng tài sản đem gửi ngân hàng lấy lãi, hàng tồn kho giảm mạnh và đầu tư bất động sản tăng.
Đơn vị liên kết của HHS là Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH) cũng cho thấy mảng kinh doanh ôtô đầu kéo Mỹ và linh kiện giảm sút với doanh số nửa đầu năm (1/4 – 30/9) đạt 238 tỷ đồng, giảm 37%. Nhờ doanh thu bất động sản tăng mạnh đạt 457 tỷ đồng mà lãi sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 62%.
Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA) đã phải kinh doanh dưới giá vốn quý III, lỗ gộp 5 tỷ đồng. Song, doanh thu tài chính tăng mạnh từ 111 tỷ đồng lên 254 tỷ đồng và hoạt động liên kết đem về lãi 1.654 tỷ đồng giúp tổng công ty đạt lãi sau thuế 1.733 tỷ đồng, giảm 5,6%.
Lợi nhuận VEAM nhiều năm qua chủ yếu đến từ các đơn vị liên kết. Tổng công ty nắm giữ 30% vốn Honda Việt Nam, 20% vốn Toyota Việt Nam và 25% vốn Ford Việt Nam, lợi nhuận công ty chủ yếu đến từ các đơn vị này.
Doanh nghiệp phân phối xe nhập khẩu hưởng lợi, xe lắp ráp và thương mại vẫn gặp khó
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), tốc độ tiêu thụ xe nhập khẩu tăng liên tiếp qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) từ 2014 đến 9 tháng 2019 khoảng 15,3%/năm. Kim ngạch nhập khẩu ôtô tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng ôtô tăng lên; ôtô nhập khẩu được hưởng thuế 0% từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, về sau sẽ từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA như Nhật Bản, Canada hay Đức, Anh, Pháp.
BSC ước tính nếu thuế nhập khẩu giảm về 0% thì trung bình giá xe ôtô sẽ giảm khoảng 20-25% so với ban đầu. Như vậy, cạnh tranh từ ôtô nhập khẩu đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất ôtô nội địa.
Tại thị trường nội địa, sản xuất cũng tăng nhanh khi nhà máy sản xuất ôtô VinFast đã hoàn tất quá trình đầu tư và cho ra sản phẩm đầu tiên. BSC nhận định sang quý IV thị trường sẽ ổn định để đón dịp cao điểm mua sắm cuối năm, giá bán xe trung bình giảm từ 9-10% cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn khu vực khoảng 20-30%.
Xe thương mại gặp khó do tác động quy định siết tải trọng năm 2015, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và giá thành xe sử dụng động cơ Euro 4 cao hơn Euro 2 khoảng 200-300 triệu đồng/chiếc ảnh hưởng nhu cầu mua xe.
Như vậy, BSC cho rằng các doanh nghiệp phân phối xe ôtô du lịch nhập khẩu được hưởng lợi trong khi các doanh nghiệp lắp ráp xe, xe thương mại vẫn trong tình trạng khó khăn.