Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau khi Richard Yu Chengdong, hiện là giám đốc kinh doanh của Huawei, đã chứng minh cho một nhà mạng nhỏ tại Hà Lan thấy được sự tận tụy mà Huwei sẵn sảng bỏ ra đối với các khách hàng.
Trước đó, Telfort là công ty nhỏ nhất trong số 4 nhà mạng viễn thông tại thị trường Hà Lan. Bị nghi ngờ về khả năng triển khai mạng 3G, công ty này đã trao đổi với Huawei, khi đó mới có một số lượng nhân viên ít ỏi tại châu Âu. Telfort còn phải đối mặt với một vấn đề thậm chí lớn hơn: hệ thống trạm gốc của công ty này không còn đủ không gian để lắp đặt thêm những thiết bị quan trọng.
Huawei, công ty trước đó luôn vấp phải nhiều khó khăn để gia nhập thị trường châu Âu, lập tức hành động. Yu, nguyên phó chủ tịch mảng mạng lưới viễn thông không dây của công ty đã hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn và nhanh chóng làm việc với một nhóm nhỏ nhân viên của công ty tại châu Âu cũng như các kỹ sư tại Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề trên.
Chỉ trong vòng 1 tuần, họ đã nảy ra ý tưởng: hệ thống trạm gốc của Telfort có thể được sắp xếp thành 2 phần, trong đó không cần quá nhiều không gian để cài đặt các thiết bị và chi phí vận hành cũng rẻ hơn.
Telfort đã hoàn toàn bị thuyết phục. Chỉ trong vòng vài tháng, một bản hợp đồng có thời hạn 10 năm trị giá 230 triệu euro đã được ký kết và cái tên Huawei đã dần hiện lên rõ nét trên bản đồ viễn thông thế giới. Chỉ một năm sau, Huawei cũng đã dành được hợp đồng với BT Group, trước đó có tên là British Telecom, và trở thành nhà cung cấp cho nhà mạng Vodafone, một trong những đơn vị mạng di động lớn nhất trên toàn cầu.
![]() |
Ảnh: Reuters.
“Huawei lúc bấy giờ không phải là một công ty lớn tại thị trường Trung Quốc cho dù họ khá thân thuộc đối với các khách hàng như China Mobile. Họ lại cho rằng nếu bạn muốn tình hình kinh doanh phát triển tại Trung Quốc, bạn phải cho họ thấy bạn là một công ty đẳng cấp quốc tế”, Stefan Scheuerle, một cựu nhân viên kinh doanh của Huawei, người đã từng tham gia thương vụ với Telfort, cho biết.
"Telfort là người mở cánh cửa cho Huawei tiến vào thị trường châu Âu và tiếp đến chúng tôi ký kết được hợp đồng với BT và Vodafone. Sau đó là quãng thời gian mà Huawei được công nhận trên toàn thị trường này”, Scheuerle nói. Hiện ông là giám đốc kinh doanh tại Sensorberg, một công ty khởi nghiệp của Đức.
Ngày nay, Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới và thu về hơn một nửa trong số 100 tỷ USD doanh thu thường niên của hãng từ thị trường quốc tế.
Sự công nhận tại thị trường châu Âu của Huawei, nơi công ty được ước tính đang nắm đến 30% thị phần, lại đang bị đe dọa nghiêm trọng. Phía Mỹ ra sức gây áp lực buộc các quốc gia châu Âu phải “phong tỏa” Huawei vì những lý do liên quan đến an ninh quốc gia, cáo buộc Huawei liên tục phủ nhận.
Mỹ muốn đảm bảo rằng “xương sống” của công nghệ 5G trên thế giới, công nghệ được lỳ vọng sẽ có tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh gấp 100 lần so với công nghệ 4G hiện tại, phải được cung cấp bởi những quốc gia “thân thiện”, và cho rằng công nghệ này sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác quốc phòng.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc dưới kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp đã không thoát khỏi sự chý ý đến từ các chính khách Mỹ, những người cho rằng đó là một hiểm họa đối với quốc gia này.
Trung Quốc cũng có những hành động đáp trả Mỹ khi cáo buộc quốc gia này đã có những hành động “đạo đức giả”, sử dụng sức mạnh quyền lực nhằm “tiêu diệt” Huawei.
Đại diện Vodafone cho biết hãng này đang tạm dừng sử dụng linh kiện cung cấp bởi Huawei cho mạng lưới trung tâm trên khắp châu Âu cho đến khi nào những lùm xùm chính trị xung quanh công ty này được giải quyết. BT cũng đã loại thiết bị của Huawei ra khỏi hệ thống mạng di động lõi. Tuy nhiên. nhiều nhà mạng khác vẫn đang phụ thuộc vào Huawei và có thể sẽ phải đối mặt với những án phạt từ chính phủ.
Một lãnh đạo cao cấp của Huawei hồi tuần trước đã cho biết những thị trường gần với Trung Quốc sẽ là những nguồn doanh thu từ mạng 5G cho công ty trong tương lai gần.
Xu Zhijun, một trong 3 vị giám đốc luân phiên của Huawei, đã trả lời trong một cuộc họp báo tại trụ sở của công ty tại Thâm Quyến rằng nhu cầu phần cứng mạng viễn thông thế hệ tiếp theo của công ty đến từ thị trường Trung Đông và châu Á.
Tuy là một trong số ít những công ty công nghệ Trung Quốc đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới, Huawei tại thời điểm hiện tại dường như vẫn mắc kẹt trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn trong tương lai là trí tuệ nhân tạo, phương tiện giao thông tự động, internet vạn vật và 5G được ví như “hệ thống mạch máu” giúp những công nghệ trên ngày càng hoàn thiện.
“Chúng tôi sẽ khuyến khích tất cả các chính phủ có một cái nhìn khách quan với các chứng cứ và duy trìcách tiếp cận mở và gắn kết đối với công nghệ 5G, cũng như những sự phát triển mạng lưới khác”, người phát ngôn của Huawei trả lời sau một yêu cầu đưa ra bình luận.
Ông Nhậm Chính Phi, chủ tịch đương nhiệm kiêm nhà sáng lập công ty, đã từng phát biểu rằng ông thà đóng cửa Huawei còn hơn là làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng.
![]() |
Ảnh: Reuters.
Quay trở lại với khởi đầu hết sức khiêm tốn của công ty, khó ai có thể dự đoán trước Huawei lớn mạnh như ngày hôm nay với hơn 170.000 lao động cũng như đã có sự hiện diện tại 170 quốc gia. Công ty được thành lập năm 1987 bởi một quân nhân đã giải ngũ tuổi ngoài 40, ông Nhậm, với số vốn vẻn vẹn chỉ 21.000 nhân dân tệ sau một vài thương vụ khác đã đổ bể.
“Huawei có thể nói là một công ty khởi nghiệp và họ không phải mang gánh nặng di sản. Công ty phát triển như ngày hôm nay vì họ sở hữu đội ngũ kỹ sư có chất lượng tốt. Họ được truyền cảm hứng bởi các công ty lâu năm trong ngành như Ericsson và Nokia”, theo Bengt Nordstrom, giám đốc điều hành công ty tư vấn Northstream, trụ sở tại Stockholm. Ông từng là nhân viên của Ericsson.
“Thật là không công bằng khi nói rằng các đối thủ của Huawei đã đánh giá thấp năng lực của công ty này trước những năm 2010. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau đó”.
Những cuộc phỏng vấn với các cựu nhân viên của Huawei, đối thủ và những chuyên gia phân tích lão làng trong ngành công nghiệp cho thấy quá trình hình thành của công ty sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Nhậm, một sức chịu đựng đáng khâm phục trong gian khó và thiếu thốn, một sự tập trung cao độ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tian Tao, một thành viên nằm trong Hội đồng tư vấn quốc tế của Huawei, đã đồng chủ biên cuốn“Huawei: Tinh thần lãnh đạo, văn hóa và sự kết nối”. Tác phẩm cũng đã được chính Huawei công nhận khi lột tả chính xác những sự kiện của công ty.
Sinh năm 1944 trong một gia đình giáo chức nghèo tại tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, ông Nhậm tham gia vào đội ngũ kỹ sư thuộc Quân đội nhân dân Trung Quốc và được cử đi làm nhiệm vụ xây dựng một nhà máy hóa chất tại khu vực phía đông bắc, nơi mà nhiệt độ có thể rơi xuống ngưỡng -20oC.
Chính những điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt đó đã góp phần rèn giũa nên con người ông và chính Huawei ngày hôm nay. ”Mọi người phải ngủ trên cỏ” vào thời kỳ đầu vì không có nhà ở, những người lính phải ăn bắp cải, củ cải dầm trong suốt 6 tháng của năm, ông chia sẻ.
“Chúng tôi học được cách chống chọi lại với khó khan. Chúng tôi cũng học được từ những công nghệ tân tiến nhất trên thế giới khi phải sống một cuộc sống không khác gì thời kỳ nguyên thủy”.
Huawei nổi tiếng trong giới kinh doanh tại Trung Quốc với “văn hóa bầy sói” vì sự táo bạo và không sợ hãi. Ông Nhậm thường thuật lại những mẩu chuyện về lòng dung cảm cho các nhân viên tại Huawei nghe khi ông đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và nghịch cảnh, và sự tôn trọng khách hàng cũng như tình thần vượt qua gian khó đã trở thành một trong những tôn chỉ xây dựng Huawei trở thành một tập đoàn lớn như ngày hôm nay.
Ngày 12/5/2008, một trận động đất mạnh 8 độ Richter đã làm sụp đổ hàng loạt công trình tại tỉnh Tứ Xuyên và cướp đi sinh mạng của 87.000 người. Trong khi hàng nghìn người đã được sơ tán để tránh ảnh hưởng bởi dư chấn thì những kỹ sư của Huawei vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ một điểm lắp đặt thiết bị viễn thông trên đỉnh một quả đồi đang rung lắc dữ dội.
Cuốn sách của Tian cũng đưa ra nhiều ví dụ khác như nhân viên của Huawei làm việc tại Chile và Nhật Bản sau khi hai quốc gia này bị “tấn công” bởi các trận động đất và sóng thần. Các mẩu chuyện này được lưu trữ trong mục “văn hóa sự cống hiến”.
Huawei khởi đầu từ một nhà phân phối các thiết bị viễn thông khi tiến hành thu mua những bộ chuyển mạch điện thoại từ Hong Kong và Châu Hải, sau đó bán lại cho những điểm bưu điện, mỏ khai thác khoáng sản tại khu vực nông thôn. Đó là một trong những hình thức kinh doanh rất hiệu quả vì nguồn nhân lực tại Trung Quốc vô cùng khan hiếm thời bấy giờ.
Năm 1991, ông Nhậm đầu tư toàn bộ số vốn nắm giữ để tự sản xuất những bộ chuyển mạch mang chính thương hiệu Huawei với bộ phận nghiên cứu và phát triển chỉ vỏn vẹn 50 thành viên.
![]() |
Ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: BBC.
Vào những năm 1990, nhắc đến Huawei là nhắc đến những sản phẩm giá rẻ, chất lượng tuy không cao nhưng dịch vụ khách hàng lại khá tuyệt vời. Bộ chuyển mạch của công ty thực sự không mang đến cho người tiêu dung độ tin cậy cao và thường xuyên hỏng hóc.
Nhưng để bù lại cho chất lượng sản phẩm thấp, công ty đã cung cấp cho khách hàng dịch vụ hậu mãi rất tốt. Công ty luôn có sẵn đội ngũ hộ trợ để có thể sửa chữa và vận hành lại thiết bị. Các nhân viên sẽ xin lỗi người sử dụng và không bao giờ tranh cãi với họ, theo như Tian chia sẻ trong cuốn sách.
Chính sách tập trung vào khách hàng của Huawei đã tạo được ấn tượng sâu sắc vì khái niệm dịch vụ tốt hiếm khi được nghe thấy tại thời điểm lúc bấy giờ.
“Công ty đã luôn khiến tôi cảm thấy ấn tượng về sự quyết tâm và tham vọng của họ”, theo Duncan Clark- chủ tịch công ty tư vấn BDA, đơn vị từng thực hiên tư vấn cho Huawei. Trong những năm đầu, “hướng đi duy nhất của Huawei là tại thị trường nông thôn, khu vực mà các nhà cung cấp nước ngoài ít khi để mắt tới”.
Ngày nay, gần một nửa số nhân viên của Huawei đang làm công tác nghiên cứu và phát triển và ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển của công ty hàng năm lên đến 20 tỷ USD, nhiều hơn tổng số tiền dành cho nghiên cứu và phát triển của 3 công ty đối thủ đứng sau cộng lại.
Tính đến hết quý III/2018, Huawei đang sở hữu 28% thị phần thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu, tăng 4% so với năm 2015, theo công ty khảo sát Dell’Oro Group.
Nhưng nhiều nhà phê bình lại cho rằng, Huawei sẽ không thể có vị trí như ngày hôm nay nếu chỉ dựa trên nền tảng dịch vụ khách hàng.
Hồi tháng 1, Mỹ đã cáo buộc Huawei âm mưu “ăn cắp” công nghệ từ nhà mạng T-Mobile cũng như cố tình vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ khi thực hiện giao dịch thương mại với Iran. Huawei đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc trên.
Năm 2004, công ty có trụ sở tại Mỹ Cisco System đã kiện Huawei ra tòa khi cho rằng công ty này đã “ăn cắp” mã phần mềm của họ để sử dụng trong các thiết bị định tuyến. Hai công ty sau đó đã quyết định tự dàn xếp vụ việc.
Trong khi Huawei đang phải trải qua một gian đoạn hết sức khó khăn tại châu Âu, nơi mà chính phủ các quốc gia không muốn gây mâu thuẫn với Mỹ, công ty này vẫn có những “người ủng hộ” trong đó có Globe Telecom tại Philipines. CEO công ty này tuyên bố không tìm ra một lỗ hổng an ninh nào trên các thiết bị của Huawei.
Cựu Bộ trưởng Truyền thông Anh cho biết “những lời kêu gọi” chống lại một số công ty Trung Quốc như Huawei khi cáo buộc họ đe dọa hệ thống an ninh mạng thực chất là “sự thiếu hiểu biết” về vấn đề an ninh cũng như sự phức tạp của mạng 5G.
Trung tâm an ninh mạng Vương quốc Anh cũng đã khẳng định rằng họ có những phương pháp giúp giảm thiếu rủi ro khi sử dụng những sản phẩm của Huawei trong hệ thống mạng 5G mới, tờ Financial Times cho biết hôm 18/2. Thông tin này có thể tác động đến quyết định của một loạt các nhà lãnh đạo châu Âu khác khi Anh là một thành viên trong hệ thống chia sẻ dữ liệu tình báo “5 con mắt” trong bao gồm cả Australia, Canada, New Zealand và Mỹ.
Huawei đang rất kỳ vọng vào sự hiện diện tại MWC Barcelona, được biết đến dưới cái tên Hội nghị di động toàn cầu, sự kiện thường niên đóng một vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp viễn thông thế giới. Sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 tại thành phố đông dân thứ 2 của Tây Ban Nha. Các quan chức Mỹ cho biết sẽ cử một phái đoàn đông đảo để tham dự sự kiện này nhằm thu hút sự chú ý của dư luận vào những thiết bị an ninh mạng 5G.
Khó khăn là rất lớn khi Huawei sẽ phải đối mặt với những đổi thủ sừng sỏ như Cisco, Ericsson và Nokia trong cuộc đua dành được những hợp đồng tỷ USD để trở thành nhà cung cấp thiết bị phục vụ mạng viễn thông thế hệ mới.
Kevin Curran, một giáo sư ngành an ninh mạng, cho biết ông từng được đặt câu hỏi bởi một lãnh đạo của Huawei rằng làm cách nào để họ có thể làm dịu những nghi ngại từ các quốc gia phương Tây. Ông đã đưa ra lời khuyên rằng công ty nên tiếp tục mô hình mà công ty đã áp dụng tại thị trường Anh, nơi mà Huawei đã thiết lập một đội ngũ giám sát viên để có thể đánh giá công tác tuân thủ các biện pháp an ninh mạng.
“Cách duy nhất để đảm bảo một phần mềm hay môt thiết bị phần cứng không chứa những 'cửa hậu' đó là phải có các chuyên gia tín nhiệm độc lập đánh giá mã code của thiết bị hoặc phần mềm đó. Đơn giản là sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào khi bạn nhìn vào những dòng mã”, Curran trả lời.
“Huawei đã là nhà cung cấp các linh kiện viễn thông cho các nhà mạng cố định và di động tại Anh trong suốt 15 năm qua. Nếu như những cáo buộc kia là đúng sự thật, thì bạn nghĩ mà xem, chắc chắn phải có người tìm ra điều đó rồi chứ”, ông cho biết.
Như Tâm/Theo SCMP