Khối ngoại bán ròng khớp lệnh 1.888 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần 28/2-4/3, VPB và HPG là tâm điểm
Thị trường chứng khoán biến động tương đối tích cực trong tuần giao dịch từ 28/2-4/3. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.505,33 điểm, tương ứng tăng 6,44 điểm (0,43%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 10,43 điểm (2,37%) lên 450,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (0,56%) lên 113,29 điểm.
Giao dịch của khối ngoại diễn ra vẫn theo chiều hướng khá xấu khi mua vào 184,3 triệu cổ phiếu, trị giá 8.363 tỷ đồng, trong khi bán ra 197,6 triệu cổ phiếu, trị giá 9.076 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 13,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 713 tỷ đồng.
![]() |
Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 789 tỷ đồng, gấp 57% so với tuần trước đó, tương ứng khối lượng bán ròng là 13,5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng lên đến gần 1.888 tỷ đồng.
![]() |
Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã VPB với 840 tỷ đồng. Tiếp sau đó, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND được mua ròng 444,5 tỷ đồng. Cả hai mã này đều được khối ngoại mua ròng mạnh thông qua thỏa thuận với giá trị lần lượt 612 tỷ đồng và 506 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 957 tỷ đồng. VIC và CTG bị bán ròng lần lượt 330 tỷ đồng và 289 tỷ đồng.
![]() |
Ở sàn HNX, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị giảm 75% so với tuần trước và ở mức 18,2 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 1,78 triệu cổ phiếu.
![]() |
IDC đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HNX với giá trị 48 tỷ đồng. PLC và SCI được mua ròng lần lượt 9,8 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Chiều ngược lại, TNG bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 59 tỷ đồng. PVI đứng sau với giá trị bán ròng là 7 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị gấp 9,6 lần tuần trước và đạt 94,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng gần 2 triệu cổ phiếu.
![]() |
ACV được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với 48 tỷ đồng. BSR và QNS được mua ròng lần lượt 23 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Trong khi đó, MCM bị bán ròng mạnh nhất với 6 tỷ đồng. VTP và BDT bị bán ròng lần lượt 4,2 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.