Thị trường về cuối phiên giao dịch với những diễn biến không quá nhiều thay đổi so với trước. Áp lực bán tiếp tục ở mức cao và khiến đà giảm của hai chỉ số vẫn là khá mạnh. Trong đó, các mã vốn hóa lớn như BID, BVH, FPT, MBB, ROS, STB, VPB, SHB, PVS, VCG… đều giảm giá sâu. Khép phiên giao dịch, ROS giảm đến 9.800 đồng (-5,62%) xuống còn 164.600 đồng/CP và khớp lệnh 1,2 triệu cổ phiếu. STB giảm 550 đồng (-3,38%) xuống 15.700 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE với 26 triệu cổ phiếu. SHB giảm 600 đồng (-4,62%) xuống 12.400 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX với 44,3 triệu cổ phiếu. PVD có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh hơn 7 triệu cổ phiếu.
Chiều ngược lại, SSI, VIC, MWG, CTG… là những mã vốn hóa lớn hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh ở phiên hôm nay. Đáng chú ý, MWG về cuối phiên bỗng nhiên tăng vọt lên mức giá trần 134.200 đồng/CP cho du trước đó vẫn nằm ở mức giá đỏ. Khối lượng khớp lệnh trong phiên ATC bằng hơn 1 nửa tổng khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này trong phiên hôm nay. MWG đã công bố báo cáo tài chính quý IV và năm 2017 với kết quả tăng trưởng mạnh. Riêng lãi sau thuế quý IV hơn 572 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 2016 đến 61%. MWG báo lãi năm 2017 tăng trưởng 40%, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. SSI chốt phiên tăng 450 đồng (1,32%) lên 34.550 đồng/CP và khớp lệnh 6,8 triệu cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAG và HNG lại giảm khá sâu. HAG mất 150 đồng (-1,83%) xuống 8.050 đồng/CP và khớp lệnh gần 8 triệu cổ phiếu. HNG giảm 290 đồng (-3,34%) xuống 8.400 đồng/CP và khớp lệnh 2 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt 383 triệu cổ phiếu, trị giá gần 8.900 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.300 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,69 điểm (-0,97%) xuống 1.099,67 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 199 mã giảm và 66 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,75 điểm (-2,18%) xuống 123,15 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 105 mã giảm và giảm và 183 mã đứng giá.
Trên sàn UPCoM, các cổ phiếu vốn hóa lớn như ACV, HVN, LBP, MSR, SDI, VIB… đều đồng loạt giảm sâu. HVN mất 4.900 đồng (-8,73%) xuống chỉ còn 51.200 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,4 triệu cổ phiếu. Như vậy, HVN đã ghi nhận 6 phiên giảm liên tiếp và mất 24% giá trị so với phiên 23/1/2018 (67.300 đồng/CP).
Thị trường trải qua phiên sáng với những diễn biến rất tiêu cực, áp lực bán vẫn quá mạnh đã kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Có thời điểm trong phiên sáng, VN-Index mất đến gần 20 điểm. Tuy nhiên, đà giảm của thị trường có phần co hẹp lại khi lực bán không còn quá mạnh như trước.
Cụ thể, các cổ phiếu như BID, BVH, VRE, VIC, ROS, GAS, SHB… đều đồng loạt giảm sâu. Trong đó, ROS giảm đến 10.500 đồng (-6,02%) xuống 163.900 đồng/CP và khớp lệnh 1 triệu cổ phiếu. SHB giảm 500 đồng (-3,85%) xuống 12.500 đồng/CP và khớp lệnh lên đến 36 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí tiếp tục lao dốc rất mạnh trong phiên sáng nay. PVD giảm sàn xuống 25.550 đồng/CP và khớp lệnh 6 triệu cổ phiếu. PVS giảm 2.000 đồng (-7,25%) xuống 25.600 đồng/CP và khớp lệnh 12,6 triệu cổ phiếu.
Chiều ngược lại, VNM, SSI, PLX, CTG… là những nhân tố chủ chốt giúp nâng đỡ thị trường. SSI phiên sáng nay tăng 800 đồng (2,35%) lên 34.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,7 triệu cổ phiếu. CTG tăng 400 đồng (1,47%) lên 27.600 đồng/CP và khớp lệnh gần 5,5 triệu cổ phiếu.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DIG vẫn tăng mạnh 1.200 đồng (5,3%) lên 23.850 đồng/CP và khớp lệnh hơn 3,4 triệu cổ phiếu. HAG và HNG vẫn chìm trong sắc đỏ. HAG giảm 80 đồng (-0,98%) xuống 8.120 đồng/CP và khớp lệnh 5,2 triệu cổ phiếu. HNG giảm 290 đồng (-3,34%) xuống 8.400 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường vẫn cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 250 triệu cổ phiếu, trị giá trên 5.700 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 900 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 10,67 điểm (-0,97%) xuống 1.099,69 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 190 mã giảm và 86 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,13 điểm (-1,69%) xuống 123,77 điểm. Toàn sàn có 36 mã tăng, 103 mã giảm và 217 mã đứng giá.
Thị trường đầu phiên giao dịch ngày thứ 5 với những diễn biến không mấy tích cực, áp lực bán đã dâng cao ngay từ đầu phiên và kéo nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lùi xuống dưới mốc tham chiếu như BID, ROS, VIC, VRE, NTP, SHB… Trong đó, sau phiên bất ngờ tăng trần hôm qua, ROS giảm trở lại 11.600 đồng (-6,65%) xuống còn 162.800 đồng/CP. VRE giảm 700 đồng (-1,26%) xuống 54.700 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh đã quay trở lại với khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác. Đáng chú ý, hai cổ phiếu đầu ngành chứng khoán là SSI và HCM đang khá tích cực sau khi điều chỉnh khá mạnh ở phiên trước. SSI tăng trở lại 850 đồng (2,49%) lên 34.950 đồng/CP. HCM tăng 1.200 đồng (1,49%) lên 82.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, CTG, BVH, FPT, MSN, PLX, VNM… là những mã vốn hóa lớn đang lấy lại được sắc xanh khá tốt. CTG tăng mạnh 650 đồng (2,39%) lên 27.850 đồng/CP nhờ thông tin về KQKD quý IV/2017. Theo đó, CTG thu lãi cả năm 9.206 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2016 và vượt kế hoạch đề ra đầu năm. Với 3,72 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, thu nhập ròng mỗi cổ phiếu xấp xỉ 1.998 đồng/CP.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DIG tăng trở lại 1.200 đồng (5,3%) lên 23.850 đồng/CP. Ở phiên trước, DIG đã từ mức giá trần và bị bán xuống giá sàn chỉ trong ít phút cuối giờ khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Cặp đôi HAG và HNG đều đang điều chỉnh giảm. HAG giảm 50 đồng (-0,61%) xuống 8.150 đồng/CP. HNG giảm 30 đồng (-0,35%) xuống 8.660 đồng/CP.
Sau khoảng 40 phút giao dịch, VN-Index giảm 3,02 điểm (-0,27%) xuống 1.107,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 40 triệu cổ phiếu, trị giá 1.175 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 0,53 điểm (-0,42%) xuống 125,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20,7 triệu cổ phiếu, trị giá 320 tỷ đồng.
SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp và tình trạng phân hóa có thể sẽ tiếp diễn với mức hỗ trợ gần nhất là 1065 điểm nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng vùng 1087 – 1097 điểm. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, rủi ro ngắn hạn tiếp tục có chiều hướng tăng dần và dòng tiền ngắn hạn vẫn suy yếu, đặc biệt thông tin về kết quả kinh doanh cũng sẽ giảm dần cho nên mức độ phân hóa có thể cũng sẽ giảm dần trong vài phiên tới. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn vẫn còn rất thấp. Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của hai chỉ số ở mức 1065.48 điểm của chỉ số VN30 và 123,63 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mở vị thế mua mới và ưu tiên tận dụng các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức khuyến nghị. |
Bình An