Biên bản họp tháng 1/2018 của Fed cho thấy Cơ quan này trở nên tự tin hơn về sự cần thiết của việc tiếp tục nâng lãi suất, khi phần lớn tin rằng lạm phát sẽ gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang được cải thiện.
Chứng khoán ban đầu phản ứng tích cực, trong đó các chỉ số chính trên Phố Wall đều chạm mức cao nhất trong phiên. Tuy nhiên, chứng khoán bắt đầu xóa hết đà tăng, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm lên đỉnh 4 năm là 2,957% do khả năng nâng lãi suất nhiều hơn trong năm nay.
Hiện thị trường dự báo khả năng nâng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp sắp tới của Fed vào tháng 3 là 93,5%, dữ liệu từ Thomson Reuters cho thấy. Trước đó, Fed dự kiến nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018.
Sau khi những lo ngại về lạm phát đã khiến S&P 500 lao dốc hơn 10% từ các mức kỷ lục xác lập vào ngày 26/01/2018, chứng khoán đã phục hồi trong những phiên gần đây khi lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ổn định ở mức 2,9%. Tuy nhiên, ngay cả với đà tăng điểm gần đây, S&P 500 vẫn chưa thể dao động trên mức bình quân 50 phiên, vốn được xem là mốc hỗ trợ kỹ thuật.
![]() |
Triển vọng lãi suất tăng cao và sự sụt giảm bất ngờ của doanh số bán nhà hiện có tại Mỹ trong tháng 1/2018 đã khiến lĩnh vực bất động sản thuộc S&P 500 mất 1,81%. Các lĩnh vực tiện ích và viễn thông cũng giảm hơn 1%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones lùi 166,97 điểm (tương đương 0,67%) xuống 24.797,78 điểm, chỉ số S&P 500 mất 14,93 điểm (tương đương 0,55%) còn 2.701,33 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 16,08 điểm (tương đương 0,22%) xuống 7.218,23 điểm.
Số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng trên sàn New York theo tỷ lệ 1,17:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,24:1.
Khoảng 6,96 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn mức bình quân phiên trong hơn 20 phiên vừa qua là 8,49 tỷ, dữ liệu của Thomson Reuters cho thấy.
Theo An Trần - Vietstock