Sau khi thị trường về gần với mốc 1.000 điểm ở phiên sáng, lực cầu bắt đáy được kích hoạt và giúp nhiều cổ phiếu vốn hóa trên thị trường đảo chiều tăng mạnh trở lại, đây cũng là nguyên nhân giúp thị trường hồi phục đáng kể mặc dù VN-Index vẫn chưa thể nhích lên trên mốc tham chiếu, nhưng so với mức giảm rất mạnh ở trong phiên sáng thì với việc đóng cửa chỉ giảm 0,26% thì cũng là một dấu hiệu tốt.
Đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, … đã đồng loạt bứt phá. CTG tăng mạnh 6,4% lên cao nhất phiên ở 29.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 9,4 triệu cổ phiếu. Chênh lệch giữa giá đóng của giá và thấp nhất phiên của CTG là 12,4%. Tương tự VCB tăng mạnh 2,4% lên 59.600 đồng/CP. BID mặc dù chỉ tăng 0,3% lên 33.700 đồng/CP nhưng so với mức giá sàn mà cổ phiếu này bị kéo xuống ở phiên sáng thì đây là điều có phần tích cực.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác như BVH, SAB, ROS, SSI, FPT… cũng đồng loạt tăng giá và giúp rũ bỏ tâm lý bi quan của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong khi thị trường hồi phục mạnh thì vẫn có những cổ phiếu làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. GAS và HSG là hai ví dụ điển hình. GAS và HSG tiếp tục giảm sàn. GAS đã có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. PVD đã thoát khỏi mức giá sàn nhưng vẫn còn giảm 6,6% xuống 14.800 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường có đôi chút cải thiện so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 271 triệu cổ phiếu, trị giá 7.600 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 1.500 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,62 điểm (-0,25%) xuống 1.026,46 điểm. Toàn sàn có 125 mã tăng, 156 mã giảm và 50 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,53 điểm (1,27%) lên 122,51 điểm. Toàn sàn có 69 mã tăng, 95 mã giảm và 66 mã đứng giá.
UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (0,32%) lên 56,1 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 86 mã giảm và 52 mã đứng giá.
Về cuối phiên sáng, giao dịch trên thị trường vẫn theo chiều hướng xấu. hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục chịu áp lực bán rất mạnh. VN-Index có thời điểm chỉ còn cách mốc 1.000 điểm khoảng 3,93 điểm. Tuy nhiên, nhờ lực cầu bắt đáy có phần dâng cao đã giúp chỉ số này hồi phục lại đôi chút những kết thúc phiên sáng, VN-Index vẫn giảm 14,51 điểm (-1,41%) xuống còn 1.014,57 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 31 mã đứng giá nhưng có đến 216 mã giảm giá. HNX-Index cũng giảm 1,02 điểm (-0,84%) xuống 119,96 điểm. Toàn sàn có 33 mã tăng, 111 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,93%) xuống 55,4 điểm. Toàn sàn có 48 mã tăng, 80 mã giảm và 42 mã đứng giá.
Phiên sáng nay, các cổ phiếu dầu khí vẫn chịu sự bán tháo, GAS và PVD tiếp tục bị kéo xuống mức giá sàn. PVB giảm 3,8% xuống 15.000 đồng/CP. Có thời điểm, PVB cũng bị kéo xuống mức giá sàn.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như VRE, VJC, TPB, KDC… vẫn đồng loạt giảm sâu và khiến hai chỉ số không thể hồi phục. VRE giảm 2,4% xuống 45.200 đồng/CP. VJC giảm 4,8% xuống 170.900 đồng/CP. TPB giảm 2,3% xuống 29.100 đồng/CP.
FRT sau chuỗi 3 phiên bứt phá khi niêm yết tại HOSE thì đến giờ đã bị kéo xuống mức giá sàn và đạt 156.300 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, ROS, SAB… là một số cổ phiếu hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh. Trong đó, ROS tăng 1,4% lên 82.500 đồng/CP. SAB tăng 0,4% lên 213.900 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 150 triệu cổ phiếu, trị giá 3.900 tỷ đồng, nhưng giao dịch thỏa thuận chiếm trên 600 tỷ đồng.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày thứ 5 vẫn với những diễn biến tiêu cực. Sắc đỏ đã bao trùm lên đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường. Trong đó, GAS và HSG tiếp tục bị kéo xuống mức giá sàn ngay từ đầu phiên. Trong đó, GAS đang có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp và hiện tại chỉ còn 96.500 đồng/CP. HSG đang giao dịch ở mức 14.550 đồng/CP.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu lớn khác như BID, KDC, VPB, VRE, VCS… cũng đều lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu và khiến cả hai chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index sụt giảm khá mạnh. BID đang giảm 2,7% xuống 32.700 đồng/CP. KDC giảm 2,2% xuống 35.200 đồng/CP.
Bên cạnh GAS một cổ phiếu ngành dầu khí khác là PVD cũng đang lao dốc. PVD hiện giờ cũng bị kéo xuống mức giá sàn là 14.750 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã hồi phục đáng kể như VNM, VIC, VCB, BVH… đều nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, BVH tăng 4,5% lên 90.900 đồng/CP. ROS tăng 1,4% lên 82.500 đồng/CP. VCB tăng 1,2% lên 58.900 đồng/CP.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG tiếp tục giảm 1,8% xuống 4.840 đồng/CP, trong khi HNG tăng trở lại 1,1% lên 8.390 đồng/CP. Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HNG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Doanh thu thuần đạt 558,5 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ năm trước. Trái cây đóng góp tỷ trọng 63% trong cơ cấu doanh thu và tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Ớt cũng đóng góp 93 tỷ đồng doanh thu quý này mà năm trước không có. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 21,5 tỷ đồng, tăng 113% cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi cổ đông công ty mẹ đạt 20,4 tỷ đồng, tăng 183%. EPS tương ứng 23 đồng.
Sau khoảng 35 phút giao dịch, VN-index giảm 5,05 điểm (-0,49%) xuống 1.023,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23 triệu cổ phiếu, trị giá 694 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,37%) xuống 120,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,3 triệu cổ phiếu, trị giá 80 tỷ đồng.
VCBS nhận định, sau ba tuần liên tiếp chỉ số giảm khá mạnh với thanh khoản chưa có sự cải thiện đáng kể, tâm lý giao dịch trên thị trường nhiều khả năng sẽ chưa thể chuyển biến trong những phiên tới, nhất là khi hầu hết các cổ phiếu trên thị trường vẫn đang vận động đồng pha với diễn biến của chỉ số chung. Theo đó, những phiên hồi phục của chỉ số vẫn sẽ là cơ hội để nhà đầu tư hạ tỷ trọng cổ phiếu và tỷ lệ đòn bẩy với mục tiêu bảo toàn thành quả cũng như chờ đón diễn biến mới của dòng tiền trong những phiên tới. |
Bình An