Đến cuối phiên giao dịch, sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn áp đảo hoàn toàn. Đa số các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng và chứng khoán đều giảm rất sâu. BID giảm 4,8% xuống chỉ còn 24.750 đồng/CP. ACB giảm đến 6,5% xuống 33.300 đồng/CP. TCB giảm 4,1% xuống 87.900 đồng/CP. VCI và HCM bị kéo xuống mức giá sàn. Trong nhóm ngân hàng, HDB và VCB là hai cổ phiếu hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh. VCB tăng nhẹ 0,2% lên 58.100 đồng/CP. HDB tăng 0,1% lên 36.200 đồng/CP.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như BVH, FPT, MSN, MWG, ROS… cũng đều giảm rất mạnh.
Trong khi đó, cùng với hai mã ngân hàng kể trên thì VNM, VCS, SAB… là những cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, do áp lực quá lớn từ các cổ phiếu trụ cột khác nên lực đỡ từ các cổ phiếu này là không đủ để giúp thị trường hồi phục.
Thanh khoản thị trường có đôi chút cải thiện so với phiên trước nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 212 triệu cổ phiếu, trị giá 4.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 800 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,63 điểm (-1,42%) xuống còn 947,15 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 237 mã giảm và 28 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 3,4 điểm (-3,21%) xuống 102,76 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 110 mã giảm và 41 mã đứng giá.
Thị trường khoảng thời gian đầu phiên chiều bất ngờ rơi rất sâu, có thời điểm VN-Index giảm đến khoảng 29 điểm. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong khoảng thời gian này thậm chí còn lộ mức giá sàn.
Ngay sau đó, lực cầu bất ngờ tăng mạnh đã giúp nhiều cổ phiếu lớn thu hẹp đà giảm và thậm chí còn tăng trở lại. VN-Index có lúc chỉ còn giảm khoảng 10 điểm.
Mặc dù vậy, đà hồi phục của thị trường lại bị chặn đứng. Do dòng tiền vẫn còn quá yếu, thị trường rơi vào tình cảnh nhà đầu tư sẽ bán ra nếu cổ phiếu có sự hồi phục.
Hiện tại, VN-Index vẫn đang giảm hơn 15 điểm và giao dịch quanh vùng 945 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư trong phiên sáng nay ở trạng thái rất bi quan. Áp lực bán giá thấp được đẩy lên mức cao và khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt sụt giảm mạnh của thị trường chung. Bất chấp những thông tin tích cực về KQKD quý II và 6 tháng đầu năm dần được hé lộ nhưng trong phiên sáng nay nhiều cổ phiếu ngân hàng lao dốc rất mạnh. VCB giảm 3,3% xuống 56.100 đồng/CP. Trước đó, ngân hàng này đã công bố lãi trước thuế 7.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018. Bên cạnh đó, ACB giảm đến 6,5% xuống 33.300 đồng/CP và khớp lệnh 3,3 triệu cổ phiếu. BID giảm 4% xuống 24.950 đồng/CP.
Phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã bị sắc đỏ áp đảo hoàn toàn. BVH giảm 5,2% xuống 77.100 đồng/CP. ROS giảm 5,3% xuống 40.700 đồng/CP. SSI giảm 5,4% xuống 26.950 đồng/CP. VRE giảm 2,7% xuống 37.750 đồng/CP.
Đáng chú ý, HSG và HCM đều tạm thời kết thúc phiên sáng ở mức giá sàn. HSG khớp lệnh 4,3 triệu cổ phiếu, còn HCM khớp lệnh chỉ 192.000 cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, VCS vẫn là cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh nhờ thông tin mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ. VCS tăng 7,3% lên 84.000 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường không cải thiện với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 105 triệu cổ phiếu, trị giá 2.100 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 21,38 điểm (-2,23%) xuống còn 939,4 điểm. Toàn sàn có 42 mã tăng, 22 mã đứng giá nhưng có đến 242 mã giảm giá.
HNX-Index giảm 3,56 điểm (-3,35%) xuống còn 102,61 điểm. Toàn sàn có đến 93 mã giảm trong khi chỉ có 30 mã tăng và 36 mã đứng giá.
Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra khá hoảng loạn trước áp lực bán rất mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đều đang lao dốc rất mạnh. VPB đang giảm 5,2% xuống 27.200 đồng/CP. ACB giảm sâu 6,5% xuống 33.300 đồng/CP. VCB cũng đang giảm 3,3% xuống chỉ còn 56.100 đồng/CP.
Đáng chú ý, hai cổ phiếu HSG và HCM bất ngờ bị kéo xuống mức giá sàn.
VN-Index thời điểm 10h18' đã mất 21,32 điểm (-2,22%) xuống còn 939,46 điểm.
Thị trường ngay từ đầu phiên giao dịch chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng như VPB, BID, VCB… Trong đó, VPB đang giảm sâu 3,5% xuống 27.700 đồng/CP. VCB giảm 1,7% xuống 57.000 đồng/CP. BID giảm 1,5% xuống 25.600 đồng/CP. Thông tin ảnh hưởng nhất đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ là việc cuối tuần qua UBKT Trung ương đã quyết định xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp trước đó. Ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã bị khai trừ khỏi Đảng.
Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sâu đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý nhà đầu tư vốn đã khá yếu ớt. Nhiều cổ phiếu trụ cột như VIC, VHM, VRE, SSI… cũng đều chìm trong sắc đỏ và đẩy các chỉ số thị trường lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVS, PVD, PVC… cũng đồng loạt giảm mạnh. GAS giảm 1,7% xuống 87.000 đồng/CP. PVS giảm 3,5% xuống 16.700 đồng/CP. Thông tin ảnh hưởng đến nhóm dầu khí trên thị trường là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/6 viết trên tài khoản Twitter cá nhân rằng Vua Arab Saudi Salman đã chấp thuận đề nghị tăng sản lượng dầu thô “có thể lên đến” 2 triệu thùng để giúp bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Iran và Venezuela. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể về số thùng/ngày, đơn vị cơ bản để đo sản lượng dầu.
Ở chiều ngược lại, VCS tăng mạnh 7,3% lên 84.000 đồng/CP. Có thời điểm, VCS đã được kéo lên mức giá trần sau thông tin HĐQT VCS vừa thông qua việc mua lại tối đa 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 1,6 triệu cp nhằm mục đích hỗ trợ thị giá và phục vụ tái cơ cấu ngắn hạn, dài hạn.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index giảm 8,76 điểm (-0,91%) xuống còn 952,02 điểm. Có thời điểm chỉ số này đã mất hơn 12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9 triệu cổ phiếu, trị giá chỉ gần 200 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,75%) xuống 105,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,7 triệu cổ phiếu, trị giá 41 tỷ đồng.
VCBS cho biết, tuần qua, thị trường chưa thoát khỏi giai đoạn thiếu những thông tin hỗ trợ để củng cố tâm lý nhà đầu tư. Cùng lúc, áp lực bán ròng từ nhà đầu tư ngoại theo tính chất cơ cấu lại danh mục vẫn có thể tiếp diễn đặc biệt trong bối cảnh các tin tức vĩ mô xuất hiện sự thay đổi đáng kể khiến nhà đầu tư cần thời gian đánh giá lại rủi ro. Ở chiều ngược lại tin tức hỗ trợ đáng chú ý nhất trong giai đoạn tới vẫn sẽ là kết quả kinh doanh Quý 2 cũng như nửa đầu năm của các doanh nghiệp. Đây nhiều khả năng là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn của thị trường nếu có. Theo đó, động thái hợp lý trong giai đoạn này này vẫn sẽ là theo dõi sát diễn biến dòng tiền, quản trị danh mục theo hướng cân bằng. |
Bình An