Thứ sáu, 31/12/2021, 11:11 (GMT+7)

Chứng khoán Việt Nam có gì buồn?

Ngày cuối cùng của năm 2021, giữa nhiều thông tin về những sự kiện lớn, những kỷ lục ấn tượng của thị trường, tôi tự hỏi chứng khoán Việt Nam năm qua có gì buồn?

Nhìn lướt qua các kỷ lục, sự kiện, chúng ta có thể thấy toát lên một câu chuyện chung về sự phát triển thần kỳ của thị trường chứng khoán Việt Nam: Mức vốn hóa đạt 92% GDP, trở thành một kênh dẫn vốn thực sự của nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của thị trường vốn để giảm bớt gánh nặng lên chính sách tiền tệ...

Có thể có chút buồn về việc cổ phần hóa DNNN tiếp tục không như kỳ vọng, số doanh nghiệp lớn được niêm yết hầu như không đáng kể khiến cho thị trường chứng khoán vẫn khó có thể mang tính đại diện cho nền kinh tế. Hay như tính đầu cơ của thị trường gia tăng đến mức làm hoạt động đầu tư trở nên khó khăn hơn.

Nhưng, cái đập vào mắt tôi vẫn là câu chuyện bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, dù đây là câu chuyện khổ lắm biết rồi nói mãi thành quen. Bán ròng nhiều năm rồi chứ đâu có phải mỗi năm nay mà phải buồn. Nhưng khi mà hầu hết báo cáo của các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế Việt Nam (chẳng phải là quý IV GDP tăng trưởng vượt xa kỳ vọng) hay tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán, thì câu chuyện bán ròng kỷ lục từ phía nhà đầu tư nước ngoài luôn là một nốt nhạc buồn. Bảo yêu mình, xong bán ròng, mà lại yêu mình à?

Đầu tiên, bán ròng luôn đi kèm câu chuyện muôn thuở về nâng hạng thị trường và nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng thể nào mà cứ chờ đợi mãi. Không cần nhắc lại chúng ta cũng biết từ khi chủ đề nâng hạng được đề cập cho đến nay (2014-2021) hầu như chẳng thấy một thay đổi nào trong đánh giá của MSCI về thị trường chứng khoán Việt Nam. 15/16 chỉ tiêu không có thay đổi gì, có chăng có chỉ tiêu về mở tài khoản được đánh giá tích cực hơn do chúng ta cho phép mở qua mạng. 

Ngay cả với một tổ chức tương đối dễ tính hơn (trong việc xét lên hạng thị trường mới nổi) như FTSE Russell, thì cũng đã là hơn ba năm Việt Nam rồi vẫn ở trong hàng đợi (watch list) dù chỉ còn có một tiêu chí. Có lẽ ngày chính thức Việt Nam được nâng hạng cũng phải chờ tới năm 2025, nhưng trước mắt thì với sự phát triển của thị trường (vốn hóa, thanh khoản), Việt Nam đã trở thành một con cá lớn trong cái ao thị trường cận biên.

Và con cá ấy lớn tới mức, iShares (quỹ ETF của BlackRock) trong năm 2021 cũng bỏ chẳng tham chiếu vào chỉ số thị trường cận biên của MSCI nữa, và đổi sang chỉ số khác là MSCI Frontier and EM Select (nói nôm na là chỉ số gồm các thị trường cận biên và lấy thêm vào một số các thị trường mới nổi nhỏ nhỏ). Lý do chẳng cần nói cũng hiểu, chả có lý do gì phải đi mua một rổ chỉ số cận biên khi mà đến 40% của rổ chỉ số này là Việt Nam, thà mua luôn Việt Nam cho nhanh. 

Không biết nên vui hay nên buồn, ngay trong chỉ số mới này thì tỷ trọng của Việt Nam vẫn quá lớn (28%), còn cao hơn tỷ trọng của tất cả các thị trường mới nổi như Colombia, Ai Cập, Philippines, Peru và Romania cộng lại. Nói một cách khác, chúng ta đã quá lớn với cái ao chật hẹp, và còn làm nứt luôn cả cái ao khi một số quỹ ETF không còn tham chiếu vào chỉ số thị trường cận biên nữa. Nhưng mà, đường ra biển lớn vẫn chưa thông.

Không giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thoát hẳn khỏi ao làng và đàng hoàng thi đấu ở vòng loại cuối cùng của giải vô địch bóng đá thế giới, thị trường chứng khoán của ta vẫn phải ở lại ao làng (cũng đã được mở rộng và gia cố) thêm ít nhất là hơn 3 năm nữa. Nó vẫn là câu chuyện cá lớn trong ao nhỏ, và ở đâu đó như chiến lược kinh doanh nghe thì hay chứ ở đây thì vẫn là một kỷ lục buồn.

Khó có thể đổ tại cho khung khổ pháp lý, khi mà Luật chứng khoán mới đã được thông qua từ năm 2019 và câu chuyện triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) để giải quyết điểm nghẽn nâng hạng đã được nói tới từ hơn 1 năm nay. Hay câu chuyện công bố thông tin bằng tiếng Anh để có sự đối xử bình đẳng hơn với nhà đầu tư nước ngoài…

Đại dịch Covid-19 cũng không phải là lý do cản trở sự phát triển của thị trường chứng khoán, mà có lẽ là ngược lại. Cũng thật khó để tìm được điểm tiêu cực nào đáng kể trong các chỉ số kinh tế vĩ mô. Một thị trường chứng khoán với quy mô vượt trội so với các thị trường cận biên, và có thể nói tương đương với các thị trường ở quy mô trung bình của thị trường mới nổi, vẫn chơi vơi ở giữa hai nhóm thị trường. 

Có thể ai đó hài lòng với việc được coi là ứng cử viên tốt cho off-benchmark emerging market (các thị trường nằm ngoài nhóm thị trường mới nổi), một dạng trên tình bạn dưới tình yêu. Hay chỉ là không cần lên hạng bằng mọi giá (mà thật sự cũng chưa hiểu chúng ta phải trả giá gì cho việc này). Nhưng chắc chắn, "cứ ngồi im rồi tình yêu sẽ tới" là điều chỉ có trong truyện ngôn tình.   

 

Đăng nhập bằng

Hoặc nhập

Thông báo

Thông báo

Hãy chọn 1 mục trước khi biểu quyết

Thông báo