Về cuối phiên giao dịch thị trường chứng kiến áp lực chốt lời rất mạnh, trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt rung lắc này. Cụ thể, các cổ phiếu như BID, CTG, VCB, STB, MBB, ACB… đều sụt giảm rất mạnh. Trong đó, CTG mất 900 đồng (-2,68%) xuống 32.700 đồng/CP và khớp lệnh rất mạnh, đạt trên 20,6 triệu cổ phiếu. BID giảm 1.200 đồng (-3,08%) xuống 37.800 đồng/CP và khớp lệnh 2,6 triệu cổ phiếu.
Áp lực chốt lời trên thị trường cũng tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí. Các mã như PVD, PVS, PVC… đều chìm trong sắc đỏ. PVD tăng 1.000 đồng (-4,35%) xuống 22.000 đồng/CP và khớp lệnh 2,2 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, trong khi các cổ phiếu dầu khí lao dốc thì GAS vẫn duy trì được sự tích cực. GAS tăng 2.100 đồng (1,84%) lên 116.000 đồng/CP.
Một số cổ phiếu trụ cột như VRE, SSI, ROS, MSN, FPT… vẫn duy trì được sự tích cực đáng kể và giúp kìm hãm lại đà giảm của hai chỉ số. SSI phiên hôm nay tăng 900 đồng (2,44%) lên 37.800 đồng/CP và khớp lệnh 9 triệu cổ phiếu. PVI tăng 2.900 đồng (7,46%) lên 41.800 đồng/CP. VRE tăng 1.600 đồng (2,97%) lên 55.400 đồng/CP.
Tại sàn UPCoM, BSR cuối phiên bất ngờ được kéo lên mức giá trần, đạt 31.300 đồng/CP (+39,73%) và khớp lệnh 14 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch tại hai sàn niêm yết đạt 307 triệu cổ phiếu, trị giá trên 8.700 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 1.050 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,75 điểm (-0,52%) xuống 1.115,79 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 167 mã giảm và 57 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,74%) xuống 127,1 điểm. Toàn sàn có 61 mã tưng, 95 mã giảm và 201 mã đứng giá.
Thị trường về cuối phiên giao dịch vẫn có sự phân hóa rất mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, cả hai chỉ số chính vẫn duy trì được sắc xanh nhẹ nhờ vào lực đẩy đến từ các cổ phiếu như GAS, SSI, VRE, MSN, FPT, CTG, VCG, PVI… Trong đó, GAS tăng trở lại 3.000 đồng (2,63%) lên 116.900 đồng/CP. SSI tăng 1.250 đồng (3,39%) lên 38.150 đồng/CP và khớp lệnh hơn 5,6 triệu cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng mặc dù có thời điểm bứt phá mạnh, nhưng sau đó đã suy yếu trở lại. Các mã như BID, CTG, MBB… đều duy trì được sắc xanh nhưng mức tăng không còn quá mạnh như trước.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn còn bao trùm lên hàng loạt mã vốn hóa lớn như SAB, PLX, HDB, PVD, NTP, DBC… và điều này ảnh hưởng rất lớn đến đà tăng của thị trường. SAB giảm 5.000 đồng (-2,13%) xuống 230.200 đồng/CP. KDC giảm 950 đồng (-2,22%) xuống 41.850 đồng/CP. NTP giảm 1.400 đồng (-2,04%) xuống 67.300 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường vẫn khá cao với tổng khối lượng giao dịch đạt hươn 157 triệu cổ phiếu, trị giá gần 4.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm trên 650 tỷ đồng. Các cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn bao gồm NVL, đạt 4,73 triệu cổ phiếu, trị giá 389,24 tỷ đồng. PME thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu, trị giá 82,5 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 3,48 điểm (0,31%) lên 1.125,02 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 139 mã giảm và 85 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,19 điểm (0,15%) lên 128,24 điểm. Toàn sàn có 45 mã tăng, 82 mã giảm và 230 mã đứng giá.
Các cổ phiếu ngân hàng tại thời điểm 9h55 đang có sự hồi phục rất tốt. Các mã như BID, CTG, MBB, VPB... đều đồng loạt tăng giá trở lại. CTG tăng mạnh 800 đồng (2,38%) lên 34.400 đồng/CP và khớp lệnh 4,9 triệu cổ phiếu. BID tăng 400 đồng (1,03%) lên 39.400 đồng/CP.
Một cổ phiếu đáng chú ý khác là SSI, hiện tại, SSI đang tăng 1.300 đồng (3,52%) lên 38.200 đồng/CP và khớp lệnh 3,2 triệu cổ phiếu.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm với những giao dịch khá tiêu cực. Các thông tin xấu từ tình hình thị trường chứng khoán quốc tế cũng như giá dầu lao dốc đang có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày thứ Tư khi thị trường rơi vào trạng thái bán tháo vào cuối phiên, chủ yếu do những lo ngại về việc lãi suất nhanh hơn dự báo. Trong đó, Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2016. Giá dầu hôm thứ tư giảm sau khi dữ liệu cho thấy trữ lượng dầu thô và xăng tăng do Mỹ tăng sản lượng. Tại sàn giao dịch hàng hóa New York, hợp đồng dầu thô tháng 4 giảm 2,17% xuống 61,64 USD/thùng. Tại sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa London, giá dầu Brent giảm 2,6% xuống 66,69 USD/thùng.
Ngay từ đầu phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đều đồng loạt giảm giá và đẩy cả hai chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, đà giảm của thị trường không duy trì được lâu khi lực cầu bất ngờ dâng cao đã đẩy nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trở lại. Nhóm ngân hàng lại là tâm điểm khi đảo ngược được tình thế. Các cổ phiếu như BID, CTG và MBB đang hồi phục tích cực. BID tăng 500 đồng (1,28%) lên 39.500 đồng/CP. CTG tăng 300 đồng (0,89%) lên 33.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,4 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, các cổ phiếu như VRE, VIC, VNM, SSI, ROS… cũng đều nhích lên trên mốc tham chiếu. VRE sau phiên điều chỉnh mạnh hôm qua thì hiện tại, VRE tăng trở lại 800 đồng (1,49%) lên 54.600 đồng/CP. VJC tăng mạnh 2.000 đồng (1%) lên 202.000 đồng/CP. SSI tăng 1.050 đồng (2,85%) lên 37.950 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, KDC, MWG, PLX, PVD, PVS… vẫn chìm trong sắc đỏ và khiến hai chỉ số chưa thể đảo chiều tăng trở lại.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index giảm 0,87 điểm (-0,08%) xuống 1.120,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22,4 triệu cổ phiếu, trị giá 886 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,21%) xuống còn 127,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 8,3 triệu cổ phiếu, trị giá 144 tỷ đồng.
Hôm nay hơn 241,4 triệu cp của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đã chào sàn UPCoM và ngay lập tức tăng mạnh có thời điểm chạm trần ở mức giá 31.300 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau đó, áp lực bán mạnh đã khiến cổ phiếu này 'bung' khỏi mức giá trần. Hiện tại, BSR tăng 7.600 đồng (33,93%) lên 30.000 đồng/CP.
SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ còn duy trì đà tăng trong phiên giao dịch tới. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật, các chỉ số chính có thể sẽ bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, nghĩa là SSI Retail Research cho rằng các chỉ số chính có thể sẽ sớm vượt đỉnh trong vài phiên tới. Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn và tỷ trọng cổ phiếu duy trì đà tăng cho thấy xu hướng tăng của thị trường sẽ tiếp tục được củng cố. Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 1052.63 điểm của chỉ số VN30 và 120.84 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở các nhịp điều chỉnh. |
Bình An