Đó là nhận định được hãng tin Bloomberg đưa ra trong một bài viết đăng ngày 25/8, trong đó cũng nêu ra một số nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài thiếu hứng thú với các vụ IPO trong những tháng đầu năm.
Phân tích của Bloomberg cho thấy chỉ số chứng khoán VN-Index của Việt Nam đã giành được 24% kể từ đầu năm nay khi nền kinh tế ổn định và tỷ suất cổ tức cao hơn gần 50% so với tỷ lệ chung của khu vực là các yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 218,7 triệu USD giá trị cổ phiếu của Việt Nam.
|
||
Diễn biến chỉ số VN-Index 1 năm qua |
Trong khi đó, tính đến ngày 21/8, chính phủ mới chỉ bán được khoảng 2,23 nghìn tỷ đồng (105,2 triệu USD) giá trị cổ phiếu tại 33 công ty nhà nước – số tiền huy động được chưa bằng một nửa mục tiêu đề ra.
Các nhà quản lý quỹ đang phớt lờ các vụ IPO do lo ngại cổ phiếu của các công ty thực hiện IPO kém thanh khoản và lượng cổ phần nắm giữ bởi cổ đông ngoài nhà nước quá nhỏ để có thể tác động đến tình hình quản trị của doanh nghiệp.
Việc thiếu hứng thú của các nhà đầu tư đang tạo ra thách thức cho Chính phủ trong việc đẩy nhanh bán tài sản nhà nước trong bối cảnh nợ xấu đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa là một phần của nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ và thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán trong nước – một thị trường hiện có giá trị khoảng 58,6 tỷ USD – nhỏ thứ hai trong 16 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương được Bloomberg theo dõi, chỉ sau Sri Lanka.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ thực hiện bán cổ phần tại 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Chính phủ vẫn còn cách rất xa mục tiêu đó.
Ngược lại, việc mở bán quỹ ETF nội địa đầu tiên của Việt Nam lại đạt được gấp đôi mục tiêu. VietFund Management đã huy động được khoảng 200 tỷ đồng cho quỹ VFMVN30, vượt mực dự kiến là 100 tỷ đồng.
Việc trì hoãn niêm yết là một mối quan ngại khác. Cổ phiếu của Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn chưa được niêm yết sau 6 năm IPO.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã lùi thời điểm IPO thêm 2 tháng do không thu hút được nhà đầu tư.
Trong số 33 công ty thực hiện IPO kể từ đầu năm nay, cũng chưa có doanh nghiệp nào thực hiện niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Trong khi đó, theo số liệu của Bloomberg, các công ty thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ta công chúng tại khu vực Đông Nam Á đã tăng được bình quân gần 20% trong năm nay.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng dè dặt trước quy mô nắm giữ cổ phần của chính phủ. Nhiều nhà đầu tư không muốn tham dự các vụ IPO khi họ không biết họ được kiểm soát hoặc tham gia vào điều hành công ty.
Tuy nhiên, theo CEO của một công ty chứng khoán, điều thực sự khiến nhà đầu tư nản lòng là nhiều công ty thực hiện IPO không có kế hoạch cụ thể cho việc tạo ra cơ chế giao dịch cho cổ phiếu của họ. “Không ai muốn đầu tư vào các công ty nếu họ không biết chắc khi nào họ có thể mua bán cổ phiếu của các công ty đó.”
Trong khi đó, trên thị trường niêm yết, các quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng lượng nắm giữ cổ phiếu của Việt Nam khi họ đang mua ròng trong năm thứ 9 liên tiếp.
Điều đó góp phần giúp chỉ số VN Index trở thành chỉ số hoạt động tốt nhất tại thị trường Đông Nam Á trong năm nay. Với P/E khoảng 13,7 lần, chứng khoán Việt Nam vẫn được coi là rẻ nhất trong số 6 thị trường chính ở khu vực.
Trung Nghĩa - Người Đồng Hành