![]() |
Doanh nghiệp BĐS đề nghị có cơ chế gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất từ 5 tháng lên 12 tháng. Ảnh: Lê Xuân. |
Mới đây, tại cuộc họp đối thoại, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong đó có những tên tuổi lớn, đã đưa ra kiến nghị về việc kéo dài thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất từ 5 tháng lên 12 tháng. Các doanh nghiệp đều cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa...
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cũng có văn bản đề xuất giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi, tuyển dụng nhân sự, người lao động. Đồng thời, VNREA đề xuất Chính phủ giảm tiền thuê đất năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ngược lại, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) lại đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhưng giữ nguyên mức 5 tháng như quy định tại Nghị định 41 của Chính phủ. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nói trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã làm rất tốt và quyết liệt. Chính phủ đã cân nhắc và áp dụng chính sách chung cho toàn bộ lĩnh vực, ngành nghề. BĐS cũng là một lĩnh vực chịu tác động của dịch bệnh nhưng nếu phải có chính sách quá đặc thù thì không thích hợp.
Chủ tịch HoREA bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp BĐS được thực hiện theo Nghị định 41 (ban hành ngày 8/4), bởi Thông tư 11 ban hành ngày 13/3 của NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19 không có doanh nghiệp BĐS. Vì thế, doanh nghiệp không nên xin chính sách quá đặc biệt, vì còn những ngành nghề khó khăn hơn ngành bất động sản.
Ông Châu khẳng định điều quan trọng với ngành BĐS hiện nay có 2 vấn đề lớn cần kiến nghị với Chính phủ trong hội nghị trực tuyến ngày 9/5 tới đây. Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế, quy trình thủ tục hành chính ách tắc do xung đột hệ thống pháp luật để dự án sớm được phê duyệt, triển khai. Thứ hai là tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận với các khoản tín dụng mới.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định việc các doanh nghiệp BĐS mong muốn gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất, về bản chất phản ánh những khó khăn trong thời gian gần đây, khi phải trực tiếp chịu tác động kép từ khó khăn pháp lý và ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nghị định 41 của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng đối với những doanh nghiệp BĐS đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Còn với các dự án đang chờ hoàn thiện giấy tờ pháp lý thì việc gia hạn thời gian nộp thuế chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Ở một khía cạnh khác, ông Khương cho rằng đề nghị tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm một năm chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi lẽ khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý. Vì thế, việc Chính phủ xem xét giải quyết một cách triệt để các vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới thì có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
Theo ông Khương, 80 - 90% xương sống của nền kinh tế đến từ lực lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là nguồn lực chính đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, các doanh nghiệp này nên được hưởng sự hỗ trợ lớn và thiết thực từ Chính phủ, về cơ chế, về định hướng, về chiến lược ngành nghề. Chính phủ cũng nên quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, nhóm các doanh nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển chung của thế giới.
Ông cho rằng thời gian này là một "phép thử" đánh giá thực chất năng lực quản trị tài chính, quản trị khủng hoảng để giúp cân đối tiềm lực của các doanh nghiệp địa ốc. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, khi thị trường gặp các biến cố lớn thì sẽ phải chịu những tổn thất về tài chính một cách tiêu cực. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc tới việc cắt lỗ khi không có đủ năng lực tài chính, nhằm tránh hoặc giảm thiểu các nguy cơ về phá sản.
Nghị định 41 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, áp dụng cho 5 nhóm đối tượng, trong đó có doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản. Thời gian gia hạn 5 tháng kể từ ngày 31/5. Người nộp thuế cần gửi giấy đề nghị cho cơ quan thuế trước ngày 30/7. Tổng cục thuế công bố đến ngày 4/5 đã tiếp nhận trên 75.025 đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn hơn 24.054 tỷ đồng, trong đó gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là 23.983 tỷ đồng, gia hạn đối với cá nhân là 71 tỷ đồng. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục nhận giấy đề nghị gia hạn của người nộp thuế đến hết ngày 30/7. |